Theo dõi trên

Chuẩn kiến thức kỹ năng có cần thiết ?

13/09/2018, 08:45

BT- Đã gần 10 năm qua, ngành giáo dục cả nước thực hiện chuẩn kiến thức kỹ năng (KTKN) ở tất cả bộ môn và tất cả các lớp học ở các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình ấy cho đến nay vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều của những người làm giáo dục, nhất là giáo viên đứng lớp về việc có nên hay không nên việc áp dụng những “chuẩn kiến thức kỹ năng” trong quá trình dạy học cho giáo viên.

                
Ảnh minh họa

Hiểu một cách đơn giản CKTKN là các yêu cầu cơ bản, tối thiểu về kiến thức, kỹ năng của đơn vị kiến thức mà học sinh cần phải và có thể đạt được theo từng bài học phù hợp với đặc trưng của bộ môn ở các lớp, các bậc học. Mục đích ban hành chuẩn KTKN nhìn chung là đảm bảo việc chỉ đạo dạy học, kiểm tra, đánh giá theo chuẩn kiến thức kỹ năng tạo nên sự thống nhất trong cả nước, góp phần khắc phục tình trạng quá tải trong giảng dạy, học tập; giảm thiểu dạy thêm, học thêm. Hiểu là như thế, nhưng thực tế khi đưa vào áp dụng thực tế thì lại hoàn toàn không hẳn như vậy bởi tư duy, cách làm của các nhà quản lý, giáo viên hoàn toàn khác nhau ở mỗi đơn vị trường học, mỗi phòng giáo dục và cả sở giáo dục.

Tuy nhiên thực tế hiện nay tại nhiều cơ sở giáo dục, người dạy không dám “vượt rào” chuẩn, sáng tạo để truyền đạt cho học sinh. Bởi khi họ dạy vượt rào thì thường bị đánh giá là không đúng chuẩn, không phù hợp với chuẩn. Nhất là việc dự giờ, thao giảng và việc chấm thi giáo viên dạy giỏi các cấp, những người có trách nhiệm (Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn các bộ môn, Ban giám khảo các hội thi) thường vin vào chuẩn KTKN như một “tài liệu cố hữu” và bất cứ hoạt động nào của giáo viên, của trò đều được nhìn từ đó mà ra để đánh giá.  Không những vậy, thực tế giảng dạy hiện nay dường như mỗi bài được giới hạn trong một thời gian chuẩn là 1 tiết (thường là khoảng 45 phút). Nếu dạy một bài học mà vượt quá thời gian cho phép chừng 3 đến 5 phút thì coi như tiết dạy đó không đạt yêu cầu. Chuẩn kiến thức đã khó (vì thực ra kiến thức thì có thể chuẩn với người này nhưng với người kia chưa hẳn đã đúng), lại đòi hỏi chuẩn cả thời gian nữa thì thật khó cho giáo viên đứng lớp vì đối tượng học sinh mỗi lớp, mỗi trường khác nhau.

Một thực tế nữa là hiện nay việc ra đề thi, đề kiểm tra ở các trường học cũng thường lấy chuẩn để làm căn cứ mang tính ép buộc. Điều này khiến việc ra đề kiểm tra cũng gặp khó khăn trong việc phân loại đối tượng học sinh.

Năm học mới 2018 -2019 bắt đầu, nên chăng các cấp quản lý giáo dục, giáo viên mỗi cấp học, mỗi bậc học hãy nhìn lại để tự thay đổi khỏi cái sợi dây chuẩn ấy. Bởi như một nhà triết học từng nói: “Cái đúng hôm qua, nhưng chưa hẳn còn giá trị cho ngày hôm nay”. Thiết nghĩ, việc biên soạn sách chuẩn KTKN cũng chỉ là ý kiến chủ quan của một vài nhà biên soạn sách mà thôi. Vậy nên hãy để cho giáo viên được thoát khỏi cái bóng của những quy định chuẩn KTKN như hiện nay để họ mang lại những điều mới mẻ cho học sinh trong mỗi tiết dạy.

T.M



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuẩn kiến thức kỹ năng có cần thiết ?