Theo dõi trên

Đào tạo nhân lực cho nông nghiệp thông minh

21/08/2020, 10:57

BT- Nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu nâng cao sức cạnh tranh cho sản xuất nông sản tại Việt Nam. Bên cạnh tạo điều kiện, cơ chế để phát triển các khu, vùng và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thì việc đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng cũng là nhiệm vụ mà Trường ĐH Phan Thiết thực hiện để cùng với địa phương phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

                
      Trồng dưa lưới công nghệ cao. Ảnh: Ngọc Lân.

Đáp ứng nhu cầu

Theo quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 575 ngày 4/5/2015, đến năm 2030 định hướng hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đưa vào hoạt động hiệu quả ít nhất 10 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện cả nước có hơn 4.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó 44 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Riêng tại Bình Thuận đã xây dựng đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, trong đó xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các xã, thị trấn bao gồm Lương Sơn, Sông Lũy, Bình Tân và Hòa Thắng thuộc huyện Bắc Bình, quy mô diện tích toàn vùng khoảng hơn 2.000 ha… Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tiếp tục kêu gọi các dự án nông nghiệp thông minh, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại; đồng thời, xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang giá trị kinh tế cao vào vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Thuận.

Để phát triển NNCNC thì ngoài các giải pháp về cơ chế, chính sách, nguồn vốn, hợp tác quốc tế… việc phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng là nhiệm vụ rất quan trọng. Là trường đại học duy nhất của tỉnh đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chủ trương phát triển NNCNC, Trường ĐH Phan Thiết đã đưa ngành công nghệ sinh học vào chuyên ngành đào tạo cho năm học 2020 - 2021. Theo TS. Trần Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phan Thiết cho biết: “Đây cũng là năm đầu tiên trường đưa ngành công nghệ sinh học vào chương trình đào tạo. Ngoài khối lượng kiến thức nền về sinh học, kỹ thuật và công nghệ, sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản, chuyên sâu về sinh học thực nghiệm, sinh học phân tử, công nghệ lên men vi sinh vật, kỹ thuật nuôi cấy mô thực vật, NNCNC, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ chế biến và bảo quản thủy hải sản, công nghệ lên men… Sinh viên sẽ có khả năng thu thập mẫu, đo đạc, tổng hợp, phân tích dữ liệu, sử dụng các phương pháp thí nghiệm hiện đại trong công nghệ sinh học…”.

Triển vọng việc làm ra sao?

Công nghệ sinh học (CNSH) là lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, kết hợp với quy trình, thiết bị kỹ thuật nhằm tạo ra các công nghệ khai thác hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vât để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học có chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường… Cùng với sự phát triển của đời sống và sản xuất công nghiệp là sự gia tăng các vấn đề cấp thiết về môi trường, thực phẩm, nông nghiệp… đang được xã hội quan tâm. Trước tình hình nhiều trung tâm nghiên cứu được thành lập để giải quyết các vấn đề trên, cùng những lợi thế đầy tiềm năng đến từ ngành công nghệ quan trọng này, ngành CNSH đã trở thành một trong những ngành nghề mũi nhọn của thời đại 4.0. 

Hiện nay có rất nhiều viện, trung tâm nghiên cứu, cơ sở đào tạo, cơ sở triển khai ứng dụng CNSH đã được hình thành. Tuy nhiên, nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực CNSH hiện đang thiếu trầm trọng. Do vậy, triển vọng và cơ hội việc làm dành cho các kỹ sư CNSH là rất lớn. Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư CNSH có thể làm việc ở những vị trí như: Kỹ sư điều hành sản xuất, quản lý và đảm bảo chất lượng sản phẩm tại các nhà máy sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm, thủy sản, dược phẩm; chuyên viên tại các trung tâm kiểm nghiệm, phòng thí nghiệm, cơ quan nghiên cứu công nghệ vi sinh, CNSH thực vật, CNSH động vật; chuyên viên phân tích mẫu bệnh phẩm; kỹ thuật viên xét nghiệm trong bệnh viện, trung tâm y khoa… Với những lý do đó, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học trong thời gian tới có thể yên tâm về việc tìm kiếm cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp nông nghiệp, thực phẩm, môi trường, thủy sản, y dược… trên địa bàn tỉnh nói riêng và các tỉnh, thành khác trong cả nước nói chung.                              

H.C



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đào tạo nhân lực cho nông nghiệp thông minh