Theo dõi trên

Đủ nắng hoa sẽ nở!

26/09/2019, 11:18 - Lượt đọc: 24

BT- Vô tình lướt facebook, tôi thấy hình ảnh 1 lớp học trong ngày tựu trường, nhưng các em học sinh phải kê sách vở lên chiếc ghế nhựa và ngồi bệt dưới đất để viết bài. Liên hệ người đăng vì dòng chú thích có nhắc đến ngôi trường ở Bình Thuận và khá bất ngờ khi biết địa chỉ của tấm hình ấy là Trường tiểu học Sông Bình – cơ sở Cầu Vượt, huyện Bắc Bình. 

                
   Một lớp học tạm tại nhà cộng đồng xã đang    thiếu điện.

Lớp học không… bàn ghế

Sau vài ngày kiểm tra thông tin với nhiều cảm xúc lẫn lộn, tôi lên đường tìm về lớp học ấy. Trên đường đi, trong đầu tôi không ngừng nghĩ về bức ảnh, về những đứa trẻ trong bộ đồng phục trắng tinh phải ngồi trên nền đất viết bài trong những ngày đầu đến lớp. Bất cứ ai nếu nhìn thấy bức ảnh ấy sẽ cảm thấy xót xa, đặc biệt là những người có con trong độ tuổi đến trường. Về cơ sở, tôi được Chủ tịch Hội khuyến học xã Sông Bình dẫn đến cơ sở Cầu Vượt, nơi các em còn nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa. Ngôi trường chỉ có 4 lớp học vừa được 1 Hội tình nguyện của Pháp khoác lên mình chiếc “áo mới” với màu hồng cam tươi tắn, sạch sẽ. Trường cũng vừa được lợp lại mái khi các phòng học bị dột nát sau những mùa mưa. Lớp học nhìn bề ngoài tương đối tươm tất, nhưng bên trong cửa nẻo hư hỏng, phòng ốc còn ngổn ngang, trống trường thì bể, bàn ghế cái được cái mất… Nhìn các em ngồi học trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, tôi không khỏi xót xa. Hỏi thăm những thầy cô đang dạy học ở cơ sở này, mới thấy hết sự khó khăn của trường tiểu học vùng nông thôn. Nhắc đến bức ảnh tôi vô tình thấy trên facebook, thầy Ngô Trọng Sang có gần 20 năm giảng dạy nơi đây không ngần ngại đưa tôi xem nhiều bức ảnh khác, nhưng dặn đi dặn lại “Chỉ xem thôi đừng đăng báo cô nhé!”.

Rồi thầy trải lòng: “Hè vừa rồi, Phòng Giáo dục huyện cấp kinh phí cho trường sửa chữa lại mái các lớp học. Trong quá trình xây dựng, không được che chắn cẩn thận, vốn đã cũ kỹ, hư hỏng gặp 2 trận mưa thế là bàn ghế bị bong lên, không sử dụng được nữa. Ngày tựu trường, do chưa chuẩn bị kịp bàn ghế khác, nên các em ngồi tạm dưới nền nhà và viết bài trên ghế nhựa. Nhìn cảnh ấy, thầy cô thấy thương các em lắm. Lúc ấy, trường nhanh chóng báo cáo lãnh đạo huyện và Phòng Giáo dục huyện để có hướng xử lý. Chỉ sau vài ngày, Phòng Giáo dục huyện đã kịp thời chuyển 20 bộ bàn ghế từ Trường tiểu học Chợ Lầu 1 và 40 bộ từ Trường THCS Sông Lũy để các em ổn định lớp trước ngày khai giảng. Giờ ổn rồi cô ạ”. Thầy Sang không giấu được niềm vui và thông tin thêm, có 1 mạnh thường quân đã đồng ý hỗ trợ 20 bộ bàn ghế mới cho trường và sẽ được chuyển đến trong nay mai.  

Như cây con cần nắng…

Những em học sinh ở vùng này đa phần là người dân tộc, ba mẹ thuần nông, nhà lại xa trường nên việc các em đến trường có sự nỗ lực rất lớn từ những thầy cô và chính quyền nơi đây. Dù 3 năm học vừa rồi, cơ sở Cầu Vượt thiếu phòng học, phải mượn tạm nhà cộng đồng thôn, nhưng thầy và trò đã cùng nhau cố gắng đến trường như một thói quen. Năm nay, vì nhiều lý do, thôn không cho mượn để các em tiếp tục học tập. Do đó, buộc lớp 2, lớp 3 chỉ học 1 buổi/ngày để nhường phòng cho các lớp khác. Có lẽ Trường tiểu học Sông Bình là trường khó khăn, thiếu thốn nhất của huyện Bắc Bình khi có đến 5 cơ sở (Cầu Vượt, Láng Xéo, Tân Hòa, Bình Phụ, Hòn Mốc) nằm rải rác ở nhiều thôn. Và mỗi cơ sở đều còn những cái khó mà chỉ chờ kinh phí của huyện mới giải quyết được.

Tôi tiếp tục đến cơ sở Láng Xéo - cơ sở chính của trường. Nhìn bề ngoài có vẻ rộng rãi, nhưng trường vẫn thiếu phòng học và vài công trình phụ đã xuống cấp. Các em học sinh lớp 5 phải mượn nhà cộng đồng xã để học tạm. Thiếu điện, nên phòng học nơi đây không đủ ánh sáng khi trời âm u, nắng yếu. Các phòng học còn lại thì chật chội với sức chứa 35 – 40 em/lớp. Nhà vệ sinh cũng xuống cấp, các phòng học đều bị dột khi có mưa... Dù thế, nhưng thầy Nguyễn Văn Nhất – Hiệu trưởng Trường tiểu học Sông Bình bảo: “Các em đang học tập trong điều kiện thiếu trước hụt sau, nhưng những năm qua, trường không có học sinh nào bỏ học vì điều kiện khó khăn mà vẫn ra lớp đầy đủ. Có lẽ, đó là niềm vui, niềm an ủi, động lực lớn nhất của những thầy cô đang công tác tại đây”.

Khó mà nói hết những thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần của thầy cô và học sinh đang dạy - học nơi vùng quê còn khốn khó này. Nhìn các em vô tư vui đùa trong sân trường, tôi liên tưởng đến những cây con đang ươm mầm, nảy lá. Nếu ở vùng đất khác, cây con sẽ lớn nhanh, tươi tốt. Riêng những “cây con” ở Trường tiểu học Sông Bình, thì sự quan tâm của lãnh đạo huyện, sự hỗ trợ từ chính quyền và những cánh tay nối dài của các mạnh thường quân sẽ là ánh nắng ấm áp giúp các “cây con” vững chãi và vươn mình mạnh mẽ.

Và tôi tin hoa sẽ nở nếu sân trường đầy nắng.

    
    Có lẽ Trường tiểu học   Sông Bình là trường khó khăn, thiếu thốn nhất của huyện Bắc Bình khi có   đến 5 cơ sở (Cầu Vượt, Láng Xéo, Tân Hòa, Bình Phụ, Hòn Mốc) nằm rải rác   ở 7 thôn.

M.V



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đủ nắng hoa sẽ nở!