Theo dõi trên

Dưỡng sức cho đường dài

25/12/2020, 14:40

BT- Em học sinh tôi dạy 2 năm, lớp 11 và lớp 12, xa quê cũng gần 30 năm, bôn ba trên đường sinh kế ở nước ngoài, rồi định cư ở Mỹ, năm ngoái về lại tìm đến thăm tôi. Chuyện trò vòng vo, cuối cùng nhắc về quá khứ, về cái thời đi học phổ thông, không ngờ em nhớ đến từng chi tiết. 

Cách ghi nhớ dài lâu

Khi ấy tôi mới ra trường khoảng 3, 4 năm, tuổi đời học trò lớp 11, 12 chênh với thầy không bao nhiêu. Em học sinh nhắc lại ấn tượng lần tôi giao cho em soạn bài lên giảng, em bảo không thể nào quên. Tôi nhớ lại khi ấy, những bài thơ ngắn, thường những bài tứ tuyệt, tôi giao cho từng nhóm về soạn rồi cử người lên giảng. Thầy giáo ngồi bên dưới với lớp, bạn giảng xong, thầy trò cùng nhau trao đổi. Cách dạy như thế, tôi nhận ra các em rất hào hứng. Em ngồi đối diện nhìn tôi nói: Thầy nhớ không, có lần bạn Hà lên giảng, bạn phát âm “nhại” theo giọng Quảng như thầy, bạn ấy cứ tưởng thế là hay, không ngờ khi góp ý, cả lớp phê cho bạn ấy một trận nên thân, buộc bạn phải xin lỗi. Nhưng sao khi đó thầy không có ý kiến gì. Đến đây gợi nhớ lại em Hà, tôi nói các bạn phê phán đủ rồi, nếu thầy nói thêm lại hóa ra thừa. Em kể, hôm thầy giao em soạn bài “Chiều tối” - “Nhật ký trong tù”, lên giảng. Em đọc tài liệu, thấy người ta bình câu “Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ”, cho rằng hình ảnh chim kia sau một ngày lao động vất vả để tìm thức ăn, nên tối về rừng tìm nơi trú ngụ vô cùng mệt mỏi, giống như người tù kia, bị giải đi từ nhà lao này đến nhà lao khác từ sáng đến tối trên đường rừng, có khi đi 50, 60 cây số, ăn uống thiếu thốn, áo quần phong phanh, khí trời lạnh giá, làm sao không mỏi mệt. Chim và người tương ứng với nhau, đồng cảm cho nhau. Khi thầy cho lớp góp ý, các bạn khen em nói hay, nhưng thầy lại chỉ ra: Con chim sáng sớm bay đi tìm thức ăn, cuối ngày bay về  nơi trú ngụ, đúng ra lúc ấy chim no nê khỏe khoắn sải cánh bay về chứ sao mệt mỏi được, nhưng ở đây nhà thơ lấy hoàn cảnh, tâm trạng của mình gán vào hình ảnh cánh chim kia, cảnh ở đây đã thông qua lăng kính cảm xúc chủ quan của nhà thơ, nên mới thấy “chim mỏi”, không còn là hình ảnh khách quan nữa, đó cũng là cái cớ để gửi gắm tâm trạng, gọi đó là tâm cảnh. Cách học như thế gợi cho em nhớ rất lâu, khó mà quên được. Nên sau này, em hướng dẫn con em, khi học bài, nhất là học nhóm, nên tìm cách giảng cho bạn nghe – và ngược lại, để bản thân tự khắc sâu kiến thức. Rồi em nhìn tôi: Chắc thầy mãi duy trì phương pháp dạy ấy thầy nhỉ?

Ảnh minh họa

Nghe em hỏi, tôi chợt nhớ, hồi ấy, tôi có trao đổi với đồng nghiệp về cách cho học sinh lên giảng bài. Một thầy lớn tuổi phán, cậu giao cho học trò lên giảng bài như vậy là vi phạm quy chế chuyên môn đấy! Vì mới ra trường nên không biết vi phạm chỗ nào, nhưng nghe câu đe dọa ấy làm tôi hết hồn, sau không dám giao cho học trò giảng. Rồi tôi được cấp trên điều đi làm công tác chuyên môn, không còn trực tiếp đứng lớp nữa, chuyện giao cho học trò soạn giảng cũng quên đi, nếu vừa rồi không có em học trò cũ nhắc lại. 

Tấm lòng nghĩa cũ

Cách đây vài tuần, em có gửi tin cho tôi qua messenger, nói rằng mấy lần định về quê, nhưng do dịch Covid-19, nên thủ tục giấy tờ trục trặc. Không ngờ em cũng rất quan tâm đến giáo dục quê nhà, khi nghe chuyện “lùm xùm” về sách giáo khoa lớp 1, em gửi cho tôi tài liệu của người Việt nước ngoài viết về sự khác nhau trong cách học của học sinh Việt Nam với học sinh các nước tiên tiến, để tôi tham khảo. Rằng: Người Việt mình ra nước ngoài thường kháo nhau, đi học 12 năm phổ thông chung thấy bọn Tây dốt lắm. Vậy mà, các cấp bậc học lên đại học, sau đại học có khi không đủ sức đua với “chúng nó”, nhất là xui mà gặp giống Do Thái hay hội hàn lâm gốc Đông Âu. Rồi đến lúc đi làm, thì trăm phần trăm là phục sát đất mấy ông sếp Tây, công lực thâm hậu mà liêm minh chính trực cũng vững vàng. Nếu vẽ biểu đồ, thì người Việt mình học theo giáo trình hình tháp. Khi nhỏ thì gánh khối kiến thức nặng nhất, càng lớn lại càng ít dần, đến tuổi vào đời thì gần như ngừng học. “Bọn Tây” thì ngược lại, họ học theo hình tháp ngược. Khoảng thời gian đầu đời khi đi học chỉ toàn chơi. Các bậc phụ huynh người Việt tha hồ sốt ruột. Học đã không xếp thứ hạng, mà đứa nào cũng được lên lớp. Gặp đứa chịu học thì không sao, mấy đứa lười thì vẫn được tạo điều kiện để... vừa lười vừa học mà vẫn không bị hổng kiến thức. Còn chuyện kiểm tra, khi nộp bài, thầy cô giáo không vội chấm điểm. Hướng dẫn mỗi đứa tự dò lại bài theo tiêu chí chấm điểm công khai. Xong rồi giao bài cho đứa khác trong lớp nó chấm và sửa cho. Sau đó, tùy đứa trẻ ấy có muốn sửa lại theo hướng dẫn của bạn không, rồi nộp cho thầy cô bản final. Điểm số không có tính định kiến hay may rủi ở đây. Nó hoàn toàn là kết quả của việc tư duy, tự học, học ở bạn và học theo kỳ vọng cá nhân đã được đặt ra(*).

Thiết nghĩ, giáo dục là xây dựng nền tảng thể chất, trí tuệ, nhân cách, là quá trình mang tính quy luật, gắn với quá trình phát triển tâm sinh lý lứa tuổi, sẽ sai lầm nếu nóng vội vượt ra ngoài quy luật ấy.

Võ Nguyên

(*) Nguồn: Nóng vội – S.A.B Foundation. TVĐ chuyển.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Lễ viếng các Anh hùng liệt sĩ và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), sáng nay 26/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã đến viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dưỡng sức cho đường dài