Theo dõi trên

Giáo dục kỷ luật không trừng phạt

08/12/2017, 10:28

BT- Kỷ luật đối với cuộc sống nói chung và với trẻ em nói riêng là vấn đề quan trọng trong các giềng mối quan hệ xã hội. Bởi mỗi gia đình, mỗi nhà trường không có kỷ luật dẫn đến xã hội rối ren, nguy hiểm. Trong quan niệm giáo dục kỷ luật đối với trẻ còn có nhiều biện pháp khác nhau, nhưng bằng cách nào để đạt hiệu quả mới là mục đích của giáo dục.

Thế nào là giáo dục kỷ luật

Kỷ luật ở vị trí danh từ là những quy tắc được huấn luyện mà có, gần như đồng nghĩa với trật tự, sự hiểu biết, hợp tác, tôn trọng các nguyên tắc và cách ứng xử đến quyền lợi của người khác, như “một lớp học trật tự”, “một đường phố trật tự”, “một xã hội trật tự”. Hiểu kỷ luật ở vị trí danh từ này, người ta mặc nhiên chấp nhận, không tranh cãi. Nhưng kỷ luật ở vị trí động từ được định nghĩa là “tạo ra trạng thái trật tự, phục tùng bằng cách huấn luyện, kiểm soát” và “sửa chữa, trừng phạt, trừng trị”(*) thì có nhiều quan niệm khác nhau về biện pháp giáo dục kỷ luật.

Lâu nay, trong giáo dục, từ gia đình đến nhà trường, xã hội, đều nhắm vào bắt buộc trẻ phải chấp hành những quy ước, những luật lệ được đặt ra, nếu không tuân thủ mà vi phạm thì áp dụng biện pháp kỷ luật theo nghĩa động từ, nhằm trấn áp đưa vào khuôn phép, như thế là giáo dục trừng phạt. Từ trước đến nay giáo dục trừng phạt được áp dụng rất rõ trong gia đình và nhà trường, nhưng các nhà tâm lý học khi đi vào khảo sát, nghiên cứu thấy rằng việc thể hiện uy quyền trong giáo dục trừng phạt không có hiệu quả bền vững.

Hệ quả giáo dục trừng phạt

Khi con cái có những biểu hiện nào đó không tuân theo ý muốn của cha mẹ, họ buộc chúng phải thay đổi hành vi để làm theo ý mình. Nếu không được thì răn đe, trừng trị, thể hiện tính chất độc tài trong quyền lực giáo dục. Thường thấy như mẹ ngăn cản việc gì đó nhưng con không nghe thì đe nẹt: “Dẹp ngay đi, không mẹ sẽ méc ba giần nát xương cho xem”. Như vậy, đứa con chỉ sợ ba nó vì những hành động bạo lực khủng bố tạo sự đau đớn thể xác, chứ không phải ý thức tự nguyện, nên khi vắng cả cha lẫn mẹ thì những việc làm mà cha mẹ cấm vẫn lại tiếp diễn với nó. Hoặc trong lớp có những biểu hiện nào đó thầy cô không vừa ý thì nghiêm sắc mặt nhìn xuống, chúng sẽ im lặng, thầy cô chỉ kiểm soát hành động chúng lúc ấy, chứ không kiểm soát được khi thầy cô quay mặt lên bảng, hoặc lúc vắng mặt. Cũng có thầy cô trực tiếp tự đưa ra biện pháp trừng phạt, như học sinh không thuộc bài, hoặc làm bài không tốt, bắt chép phạt, có khi phải chép lại bài học đến 100 lần. Trước tình trạng như thế, học sinh không đủ sức nên phải nhờ bạn chép hộ để nộp. Đó là những biện pháp kỷ luật trừng phạt không có tác dụng giáo dục, gây khó khăn, tạo cho trẻ tư tưởng và biện pháp đối phó, không thật lòng. Hiện tượng giáo dục trừng phạt còn đang tái diễn rất nguy hiểm và phổ biến ở các trường mẫu giáo. 

Đưa ra biện pháp giáo dục trừng phạt vì người làm công tác giáo dục không đủ trình độ nghiên cứu, tìm hiểu, phát hiện sự phát triển tâm sinh lý từng đối tượng. Nhiều khi có những yêu cầu không đáp ứng được tâm tư, tình cảm, nhu cầu mong muốn của đối tượng nên gặp phải phản ứng, cha mẹ, thầy cô thấy bất lực nên tự cho mình là người có quyền buộc người được giáo dục phải phục tùng, không tuân theo thì độc đoán áp dụng giáo dục kỷ luật trừng phạt. Giáo dục trừng phạt là sự trấn áp nhất thời, không có tác dụng lâu dài trong việc hình thành bản chất kỷ luật tự giác trong sáng, lành mạnh, mà còn nguy hiểm ở chỗ để lại những lát cắt, vết hằn tổn thương âm ỉ trong tâm hồn đi theo suốt cuộc đời của trẻ. Hiện tượng trẻ phá phách, chống đối, nổi loạn, trả thù, nói dối hoặc rơi vào im lặng, tự kỷ, thụ động cũng bắt nguồn từ giáo dục trừng phạt trong gia đình đến nhà trường mà ra.

Cần sự giáo dục vững bền

Để xây dựng được một gia đình, một nhà trường có nền nếp kỷ luật (theo nghĩa danh từ) thì phải có biện pháp giáo dục kỷ luật (theo nghĩa động từ) trong huấn luyện, giáo dục, dạy dỗ, uốn nắn, khai sáng, để tự bản thân trẻ nhận ra và ý thức được vấn đề, để hình thành những hành vi và tự giác trong ứng xử, điều đó mới là mục đích căn bản của giáo dục. Muốn đạt được kết quả như thế phải có chủ trương và biện pháp để tiến hành giáo dục thật sớm ngay khi trẻ mới biết tập nói, tập đi từ trong gia đình cho đến khi vào trường mẫu giáo, tiểu học, mới mong hình thành được một xã hội có kỷ luật.

Võ Nguyên

(*). Từ điểm Random House – Theo Thomas Gordon, “Giáo dục không trừng phạt”, Nxb Trí thức, 2013.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục kỷ luật không trừng phạt