Theo dõi trên

Giờ học lịch sử thú vị tại bảo tàng

18/12/2020, 14:15

BTO- Nhằm giáo dục lịch sử địa phương, để thế hệ trẻ có cái nhìn đúng và trân trọng, phát huy những giá trị của cha ông, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo đẩy mạnh việc tìm hiểu kiến thức lịch sử thông qua kênh bảo tàng. Bằng các chuyên đề và hoạt động bổ trợ lồng ghép trong buổi ngoại khóa giúp học sinh ghi nhớ kiến thức thay vì các em chỉ được nghe – nhìn…

Không gò bó trong không gian chật hẹp của phòng học, cũng không cần tới bảng đen, phấn trắng, nhưng gần 100 học sinh khối 5, Trường tiểu học Bình Hưng, TP. Phan Thiết vô cùng hào hứng và tỏ ra tiếc nuối vì tiết học lịch sử đã kết thúc nhanh chóng. Điều này khác hẳn với sự căng thẳng, mệt mỏi, nhàm chán của giờ học ở trường. Bởi các em được tận mắt nhìn những công cụ đá từ thuở sơ khai của loài người, sự xuất hiện của đồ gốm của nền văn hóa Sa Huỳnh trên nhiều khía cạnh từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần. Các hiện vật khảo cổ học Đa Kai (thuộc thôn 3, xã Đa Kai, huyện Đức Linh) như chiếc rìu, vòng, bi gốm, đặc biệt là 3 bộ đàn đá 5 thanh là nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người, có niên đại cách ngày nay khoảng 3.000 năm. Rồi được dẫn dắt về với không gian của văn hóa Chăm. Đây là một trong những tộc người bản địa, sinh sống lâu đời trong suốt tiến trình lịch sử gần 2.000 năm, trải dài trên mảnh đất miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận, với số lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ. Từ những ngôi đền tháp nguy nga cổ kính, tác phẩm điêu khắc chạm trổ trên đá, phù điêu, các đền thờ, đến hàng trăm lễ hội văn hóa dân gian độc đáo…

 

Dọc theo lộ trình tham quan, các em còn được biết những hiện vật và tài liệu văn hóa 34 dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, cùng các cổ vật tàu đắm trên vùng biển Cà Mau, Bình Thuận. Điều thú vị là không chỉ được tham quan, mà học sinh còn được trao đổi, trả lời câu hỏi để hiểu rõ vấn đề từ thuyết minh viên, nhờ vậy tạo sự hưng phấn, ghi nhớ bài học hiệu quả hơn.

Được biết đây là hoạt động nằm trong chương trình phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Giáo dục và Đào tạo về “Hoạt động giáo dục thông qua di sản văn hóa và tổ chức học tập ngoại khóa tìm hiểu về di sản văn hóa địa phương tại các bảo tàng, di tích trên địa bàn tỉnh” giai đoạn 2020 – 2025. Có 3 nội dung chính được thực hiện trong chương trình là tham quan, trải nghiệm thực tế tại các bảo tàng, di tích; đưa di sản văn hóa vào trường học các cấp và hoạt động “Chúng em chăm sóc, bảo vệ và gìn giữ di tích”. Trong đó các bảo tàng, trung tâm trưng bày sẽ giới thiệu nội dung đang trưng bày, truyền tải các thông điệp, ý nghĩa của tài liệu, hiện vật. Với di tích sẽ giới thiệu về nguồn gốc ra đời, sự kiện, nhân vật lịch sử gắn với di tích; giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của di tích.

Việc tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm thực tế tại bảo tàng, di tích lịch sử, văn hóa cũng là cách góp phần nâng cao chất lượng môn học. Qua đó các em ý thức được trách nhiệm của mình trong học tập, lao động, gìn giữ và phát huy truyền thống quê hương.

Thùy Linh – Ngọc Lân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Lễ viếng các Anh hùng liệt sĩ và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024), sáng nay 26/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã đến viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giờ học lịch sử thú vị tại bảo tàng