Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Cần tìm bước đi cho đổi mới giáo dục

03/03/2017, 09:07

Trách nhiệm nặng nề

BT- Chuẩn bị thay đổi chương trình và sách giáo khoa trong giai đoạn tới là một trong những mục tiêu nhằm thực hiện Nghị quyết số 29 của Hội nghị Trung ương 8, khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, khẳng định đây không chỉ là quốc sách hàng đầu, là “chìa khóa” mở ra con đường đưa đất nước tiến lên phía trước, mà còn là “mệnh lệnh” của cuộc sống; Đảng và Nhà nước giao cho ngành giáo dục - đào tạo một nhiệm vụ mang tính sứ mệnh lịch sử nghe rất vinh quang nhưng hết sức nặng nề. Cần nhìn lại cơ sở phát triển giáo dục của địa phương trong những năm qua để thấy những gì cho tâm thế đổi mới căn bản và toàn diện.

                
Giảng dạy theo phương pháp mới cho học sinh    tiểu học. Ảnh minh họa

 Những bước phát triển

Từ sau năm 1975 đến nay (gắn với hai lần đổi mới chương trình và thay sách giáo khoa trên quy mô toàn quốc), ngành giáo dục Bình Thuận đã phát triển đồng hành cùng cả nước. Nhìn từ năm học 1976 – 1977 (sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước), ta tiếp quản các cơ sở giáo dục của chính quyền miền Nam trước năm 1975 để lại, toàn tỉnh chỉ có 5 trường cấp 3: Tuy Phong, Hòa Đa, Phan Lý, Phan Bội Châu và Hàm Tân. Nếu khi ấy tính cả Bình Thuận và Ninh Thuận (Thuận Hải cũ) chỉ có 90 lớp, 4.318 học sinh, 170 giáo viên cấp 3. Sang thập kỷ 80 của thế kỷ XX trở đi, để đáp ứng nhu cầu học, ở đâu có dân ở đó có lớp học, thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước Việt Nam là tạo điều kiện cho mọi người được đi học, chống mù chữ – đánh giá việc thất học, mù chữ ngang hàng với một loại giặc (“giặc dốt” – chữ của Hồ Chủ tịch). Muốn chiến thắng loại giặc ấy phải giúp cho mọi người đều biết đọc, biết viết, biết tính, biết trình bày, diễn đạt… Đó là chủ trương mang tính nhân đạo và có giá trị nhân văn toàn cầu vô cùng cao quý chưa từng có trong lịch sử qua các thời đại. Chính việc đáp ứng nhu cầu giáo dục khổng lồ đó nên đã đặt lên vai của ngành giáo dục một gánh nặng cực kỳ lớn, đã phải tận dụng mọi phương tiện, bằng mọi hình thức, để giáo dục bao phủ khắp mọi nơi, trong tình trạng cơ sở trường lớp khi ấy nhiều nơi rất tạm bợ, tranh tre nứa lá, xập xệ, tuềnh toàng, trường không ra trường, lớp không ra lớp. 

Đến nay, năm học 2016 – 2017, trải qua 40 năm, đặc biệt là 20 năm gần đây, tốc độ phát triển giáo dục Bình Thuận với quy mô: 188 trường mẫu giáo (52.228 cháu, 2.985 giáo viên); 277 trường tiểu học (109.946 học sinh, 5.895 giáo viên); 130 trường trung học cơ sở (75.791 học sinh, 4.696 giáo viên), 29 trường trung học phổ thông (33.714 học sinh, 2.388 giáo viên). Các trường được phân bổ đều trên địa bàn các xã, phường,  thị trấn, huyện, thị xã, thành phố, đáp ứng được nhu cầu học tập cho con em trong toàn tỉnh; đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở. Về xây dựng trường lớp đã từng bước kiên cố hóa – đặc biệt đối với các trường THPT hầu hết được đầu tư xây dựng kiên cố. Song song với sự phát triển giáo dục công lập ở địa phương, hệ thống trường tư thục ra đời, xây dựng khá bề thế, như trường phổ thông nhiều cấp học Lê Quý Đôn đầu tư xây dựng ban đầu với nguồn vốn 145 tỷ đồng…  

Gánh nặng đặt ra

Đáp ứng đầy đủ cho đổi mới giáo dục với cả nước nói chung và nhiều địa phương nói riêng là một trọng tải rất lớn. Đó là nhu cầu về nguồn lực con người và cơ sở vật chất (kinh phí). Tất cả mọi thành công và yếu kém cũng từ đó mà ra. Ví như sức anh chỉ mang nổi 50 cân, nay đặt lên đôi vai một tạ để đi trên quãng đường dài với nền kinh tế còn thiếu thốn, nhưng phải gắng sức để mà đi, mà bước tới, đuổi theo sự phát triển giáo dục tiên tiến trên thế giới, như thế không ngã quỵ thì cũng khập khiễng, xiêu vẹo. Nên việc lựa chọn tư thế để bước đi như thế nào cho có hiệu quả vững chắc, điều đó hoàn toàn tùy thuộc về tầm nhìn vĩ mô và năng lực điều hành, thực hiện của người quản lý giáo dục.

Để đạt được mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục – đào tạo nhằm rút ngắn khoảng cách “tụt hậu”, điều đó yêu cầu địa phương cần phải đầu tư nguồn lực rất lớn về cơ sở vật chất (hiện nay không phải nơi nào trường học cũng được kiên cố, nhiều đơn vị còn thiếu các phòng chức năng, thiếu các phương tiện trang thiết bị dạy – học hiện đại…); nhưng yếu tố quan trọng là nguồn lực con người (việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý, nhất là chuyên môn cho đội ngũ giáo viên) mới là yếu tố quyết định cho chất lượng giáo dục. Không nên tất bật loay hoay quanh chuyện tỷ lệ thi cử của học sinh mà không chú trọng đến chất lượng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ. Bởi từ thực tế cho thấy, dù đưa ra bao nhiêu nội dung, phương pháp đổi mới, từ chương trình, đến sách giáo khoa, nhưng người thực hiện không đủ năng lực để đáp ứng thì mọi sự việc đều sẽ quay về vị trí xuất phát.                

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Cần tìm bước đi cho đổi mới giáo dục