Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Sáng kiến kinh nghiệm

04/05/2018, 14:03

BT- Trong quá trình học tập và lao động, từ xưa đến nay – cả mai sau, việc đúc kết kinh nghiệm và sáng tạo, phát minh khoa học là vô cùng quan trọng, vì nó đem lại lợi ích thiết thực cho ngành nghề, cho cuộc sống con người. Nhưng việc viết sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp hữu ích (gọi chung là SKKN) đối với thầy cô giáo hiện nay là cả vấn đề cần nghiên cứu lại.

                
Một tiết giảng bài công nghệ. Ảnh minh họa

 Nhìn vào hiệu quả viết SKKN

Trong Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ “Về việc đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức” có hướng dẫn cụ thể đối với cán bộ đánh giá ở mức “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” có 8 tiêu chí, thì tiêu chí thứ 8 là: “Có sáng kiến, giải pháp cụ thể được áp dụng, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các cơ quan, tổ chức hoặc của ngành, lĩnh vực được giao phụ trách và được cấp có thẩm quyền công nhận”, còn các mức từ “hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở xuống thì không có yêu cầu này.

Để viết một SKKN “được áp dụng, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động”… không phải chuyện đơn giản mà giáo viên nào cũng làm được. Bởi người dạy phải có quá trình từ 5 đến 10 năm mới nghiên cứu tích lũy được một số kinh nghiệm, mới tìm ra được một vài sáng kiến nào đó, nhưng phải là những người có tinh thần cải tiến mang tính khoa học sáng tạo thì mới mong có được. Một đời đi dạy viết được từ 4 - 5 SKKN có giá trị đem lại hiệu quả cho nghề nghiệp đã là công sức lớn rồi. Thế nhưng hiện nay hằng năm luôn yêu cầu giáo viên viết SKKN, bởi nó lại gắn liền với tiêu chí xếp loại danh hiệu thi đua, nên phải viết.

Thực tế trong hàng chục năm qua, mỗi năm, chỉ riêng cấp THPT, có đến hàng trăm SKKN xếp loại A, B gửi về cấp ngành để đánh giá, xếp loại. Như năm 2017, có 122 SKKN được sở khen thưởng; năm 2018 có đến 189 SKKN ở các cơ sở đề nghị cấp ngành đánh giá, xếp loại. Thực chất, việc viết SKKN gần như đối phó, không ít người tra cứu trên mạng Internet tải về rồi gia công vào, thậm chí có người trích gần nguyên văn nhiều đoạn, nhưng lại không ghi nguồn trích dẫn. Một hiện tượng khác đáng lưu ý là những SKKN của tập thể, thường chỉ có một người viết, nhưng vì “lợi ích chung”, nên gắn thêm tên 2, 3 người nữa, xem như đồng tác giả.

Nhưng khi xét công nhận rồi, tác dụng hiệu quả của những SKKN đó trong suốt thời gian qua không rõ. Nêu hiện tượng này không chỉ riêng của ngành giáo dục, mà ngay cả các đề tài khoa học cấp tỉnh được xếp loại khá, tốt cũng vậy. Có lần tôi được Sở KHCN mời rà soát, đánh giá lại hiệu quả những đề tài khoa học cấp tỉnh đã được nghiệm thu – nhiều đề tài chi phí từ hàng trăm triệu đồng trở lên, nhưng qua nhiều năm, vẫn nằm yên trong các ngăn tủ lưu trữ, chưa thấy hiệu quả ứng dụng vào thực tế như thế nào.

 Cần thiết thực, bỏ chủ nghĩa hình thức

Hiện nay không ít tiến sĩ giữ chức vụ quan trọng, có khi chục năm chưa có được bài báo khoa học, hay một công trình, đề tài nghiên cứu nào, huống chi giáo viên phổ thông, năm nào cũng yêu cầu viết SKKN. Điều quan trọng là mong họ dạy học trò đạt chất lượng thật tốt đã là công sức lớn rồi, đó là cơ sở đủ để bình xét công nhận các danh hiệu thi đua ở cơ sở. Còn ai muốn đạt danh hiệu “chiến sĩ thi đua” cấp tỉnh, cấp bộ, cấp nhà nước thì gắng mà viết.

Chúng tôi thấy, hiện nay, ngành giáo dục cần chỉ đạo, động viên, hướng dẫn thầy cô cùng học sinh tập trung nghiên cứu các đề tài “khoa học sáng tạo” – theo xu thế giáo dục tiên tiến, là việc làm lợi ích thiết thực nhất. Đã đến lúc không còn bó khung theo lý thuyết các đơn vị kiến thức trong sách giáo khoa nữa, nhất là đối với những giáo viên có năng lực và học sinh năng khiếu – khá giỏi.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Sáng kiến kinh nghiệm