Theo dõi trên

Góc nhìn giáo dục: Tự trọng

27/07/2018, 08:20

Học sinh hiểu tự trọng là gì

BT- Tự trọng thuộc về nhân cách cá nhân, là phẩm giá đạo đức, tư tưởng nhân nghĩa, không làm và không đồng lõa với cái xấu, cái ác đối với đồng loại và môi trường thiên nhiên. Khi trót lỡ sai trái điều gì phải biết xấu hỗ, hối hận, không trốn tránh, hay đổ lỗi cho người khác, nói có thành không, đen thành trắng, dám tự nhận và ý thức tự sửa. Đó là một phẩm chất tốt đẹp nhất của con người, phải giữ gìn và thể hiện trong bất cứ lúc nào, cả trong học tập và thi cử. Ngược lại là vô liêm, bất lương, mất nhân cách. Học sinh phổ thông đều học để hiểu lòng tự trọng là vậy. Nhưng kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa công bố điểm đã dậy lên làn sóng bất bình về gian lận của hàng vạn thí sinh, nhân dân cả nước, mà chuyện sai trái thuộc về người lớn. Dấu hỏi to tướng về lòng tự trọng đang treo lơ lửng.  

 Nhìn vào thực tế để tự trọng

Suốt 3 năm qua, các kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển đại học, năm nào cũng có sự cố làm chấn động lòng người. Năm 2015, yêu cầu quá gấp rút về thời gian nộp hồ sơ chuyển nguyện vọng, vào ngày cuối cùng, mẹ con thí sinh C phải thuê xe Trung tâm cấp cứu 115 Hà Tĩnh vượt hơn 350 km ra Hà Nội – bởi chỉ có xe cấp cứu mới dành được ưu tiên trên các tuyến giao thông để kịp nộp hồ sơ. Kỳ thi năm 2016 cả nước có 69 bài thi đạt điểm 10 thì đến năm 2017 xảy ra hiện tượng mưa điểm 10 gần 4.200 bài, gấp 60 lần, nhiều học sinh đạt điểm tổng bài thi tuyệt đối, có thí sinh cộng cả điểm khuyến khích lên đến 32.5, đến nổi những thí sinh điểm 30/30 vẫn trượt đại học, gây bao nỗi niềm bức xúc với sĩ tử và phụ huynh. Nhưng khi tổng kết, lãnh đạo Bộ luôn khẳng định kỳ thi diễn ra an toàn, “được nhân dân đồng tình ủng hộ”. Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, những đổi mới theo lộ trình 3 năm vừa qua đến năm nay đã đạt được mục tiêu. Do đó, từ năm 2017 trở đi, phương thức tổ chức kỳ thi sẽ ổn định về cơ bản trong những năm sắp tới (là năm 2018 và những năm tiếp theo), nhưng đã thấy gì trong kỳ thi năm 2018.

Tại hội nghị trực tuyến 6 tháng của Chính phủ với các địa phương (2/7), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: Kỳ thi THPT quốc gia 2018 được tổ chức nghiêm túc, khách quan, an toàn và nhẹ nhàng, được nhân dân các địa phương ủng hộ. Tôi thấy cơ bản là thành công(1). Cũng trong kỳ thi này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí khẳng định: “Chúng ta thấy kỳ thi nhẹ nhàng, thân thiện hơn nhưng tính nghiêm túc vẫn đảm bảo. Đặc biệt là kết quả của kỳ thi vẫn bảo đảm độ tin cậy để các trường yên tâm sử dụng tuyển sinh”(2). Ông nói về tính bảo mật: “Túi đựng bài thi từ lúc được niêm phong đến mở ra, kiểm đếm, đưa vào quét đều được thực hiện nghiêm túc, theo quy trình khép kín, có thanh tra và PA83 giám sát để đảm bảo kết quả chấm thi là khách quan”(3). Nói về tính chính xác: “Số bài này được chấm bằng máy. Do đó chúng ta rất yên tâm về kết quả chấm này. Qua những năm vừa rồi, có thể thấy rằng, kết quả phúc khảo thì hầu như không có việc thay đổi kết quả đối với bài thi trắc nghiệm”(4). Thế mà hiện tượng kỳ thi 2018 đi ngược lại hoàn toàn, sửa điểm gian dối chóng mặt, lệch đến hơn 20 điểm tổng/thí sinh, từ hỏng tốt nghiệp lên hàng đầu danh sách điểm tuyển sinh – nếu không phát hiện. 

…“Đừng như con bướm đậu rồi bay đi” (ca dao)

Từ đấy nhận thấy: Một kỳ thi quốc gia để đánh giá chất lượng, quyết định bước ngoặt cực kỳ quan trọng đời người với gần 1 triệu thí sinh tham gia(5), thế nhưng từ hiện tượng “mưa điểm 10” mà tổng điểm tuyệt đối/thí sinh tăng lên đột biến ở diện rộng (2017) đã cảnh báo sự bất thường trong thi cử, song những người đứng đầu tổ chức kỳ thi quốc gia không nhận ra mà cứ hể hả tán thưởng con số thành tích, không dự đoán trước được những gì có thể xảy ra, nên dẫn đến tình trạng kỳ thi năm 2018 là hệ quả tất yếu - một kế hoạch tầm quốc gia mà để “mất bò mới lo làm chuồng”! Đó là lỗi hệ thống từ khâu tổ chức ở Bộ đến các địa phương triển khai chứ không phải lỗi cá nhân. Vậy mà cách công bố nhận xét, đánh giá kết quả của Bộ trưởng và Cục trưởng về tổ chức thi luôn tự thỏa mãn với chính mình, tự làm tự khen - kiểu “mẹ hát con khen hay”…

Nhìn lại kỳ thi năm 2018 có đúng là “nghiêm túc, khách quan, an toàn và nhẹ nhàng, được nhân dân các địa phương ủng hộ” như đã nói hay không? “Kết quả của kỳ thi vẫn bảo đảm độ tin cậy để các trường yên tâm sử dụng tuyển sinh” hay không? Có nghĩ rằng với tình trạng chấm thi như vậy đã xúc phạm đến lòng tự trọng của hàng vạn thí sinh khác có thái độ học tập chăm chỉ, thi cử nghiêm túc bằng chính sức lực của mình đến mức nào không? Việc lấy kết quả thi là điểm thi cộng với 50% điểm trung bình học bạ lớp 12 (không thực chất) để nhiều trường đậu tốt nghiệp 100% như hiện nay có cần thiết nữa không? Chủ trương tổ chức thi 2 trong 1 như đã cảnh báo có cần tiếp tục duy trì hay không? Chúng tôi nghĩ, muốn dạy học sinh thể hiện tốt lòng tự trọng thì người lớn – quan chức, phải tự trọng trước với quốc dân đồng bào để tuổi trẻ noi gương.

Võ Nguyên

Nguồn: (1). VOV.VN; (2): http://giaoducthoidai.vn; (3): https://www.msn.com/vi-vn/news; (4):  http://dantri.com.vn; (5): Tổng số thí sinh dự thi năm 2018 là 925.961(vietnamnet.vn)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn giáo dục: Tự trọng