BT- Hồi đi dạy, lớp tôi chủ nhiệm có một học sinh thi tốt nghiệp phổ thông xong, không thi đại học, chỉ thi vào trung cấp nông nghiệp, ra trường không nhận nhiệm sở, về nhà làm ruộng, rồi lấy vợ, sinh được 2 con, đang học phổ thông. Tuần trước, cậu học trò ấy ghé thăm. Gặp nhau, trao đổi đủ chuyện trên trời dưới đất, rồi cậu ta nhìn tôi phàn nàn, rằng thành phần trí thức hiện nay có nhiều vấn đề làm cho người ta hụt hẫng, mất niềm tin. Tôi hỏi chuyện gì? Hóa ra, cậu mua một cuốn từ điển về hướng dẫn cho con tra cứu để học, nhưng sau lại thấy có nhiều dư luận về chính cuốn sách ấy, viết sai kiến thức quá nhiều. Cậu nói, từ điển mà viết sai thì biết tin vào đâu để tra cứu, tìm hiểu tiếng Việt!    

Suy nghĩ từ người nông dân

Cậu tâm sự, mấy đứa con của em được cái học chăm, riêng thằng nhỏ sau cứ luôn thắc mắc, theo hỏi hoài, nhất là về từ ngữ tiếng Việt, bản thân làm cha mẹ, rất nhiều từ không hiểu hết nghĩa, lại không có thời gian tra cứu để giải đáp, nên còn cách mua từ điển về hướng dẫn cho chúng tự tra cứu để học. Nghe vậy, tôi hoàn toàn tán thành và khích lệ phương pháp hướng dẫn học tập đó cho con em ở nhà. Hiện nay, rất nhiều học sinh học hết phổ thông mà chưa biết cách tra từ điển, không ít học sinh suốt thời đi học chưa một lần đụng đến cuốn Từ điển tiếng Việt để tra cứu, tìm hiểu, học tập. Nhiều khi cứ nói, cứ viết, cứ dùng từ mà chẳng hiểu được hết ý nghĩa của từ! Trao đổi đến đây, làm tôi nhớ lại hơn 2 năm trước, có viết bài “Học chữ - học văn” đăng trên Bình Thuận cuối tuần số 5971. Tôi chia sẻ với cậu học trò, tuy là người Việt, nhưng hiểu hết nghĩa tiếng Việt quả không dễ, có mấy ai tự cho mình thực sự uyên bác am hiểu thấu đáo tận cùng tiếng nói mẹ đẻ đâu, nên người viết sách nhiều khi cũng không tránh được những lỗi sai. Nghe vậy, cậu ta tỏ ý không đồng tình, rằng với những người trình độ kiến thức ở mức phổ thông như bọn em, xem đó là chuyện thường tình, có thể cảm thông, vì chưa có điều kiện học đến nơi đến chốn, nhưng ở đây, người viết từ điển tự xưng danh người có kiến thức chuyên sâu, ghi rõ học vị, học hàm. Với học vị, học hàm như thế rõ ràng họ là thành phần được vinh danh là trí thức của đất nước, thành phần được tôn kính, nên đặt niềm tin vào kiến thức chuẩn mực của họ để tham khảo, học hỏi. Khi đi mua sách, em thấy người viết gắn cái “mác” tiến sĩ, giáo sư, nên em yên tâm, đặt hết niềm tin vào đó, chứ đâu ngờ…    

Coi chừng thực hư

Nghe nói đến cái “mác”, không làm tôi nghĩ về thương hiệu kinh doanh như hiện nay, mà gợi nhớ trước kia có đọc tư liệu về cụ Phan Châu Trinh, quan niệm của cụ là học (thực học) và đi thi cho đậu để lấy tấm bằng nhằm khẳng định tiếng nói của một trí thức, có tấm bằng thì tiếng nói mới có trọng lượng, mới có uy tín với quần chúng nhân dân trên con đường hoạt động cách mạng, chứ không phải để làm quan. Công chúng bao giờ cũng tôn trọng, ngưỡng mộ, đặt niềm tin vào sự chuẩn mực của bằng cấp – những người có bằng cấp càng cao thì niềm tin của quần chúng vào tri thức của họ càng lớn. Quan niệm và cuộc đời của cụ Phan là vậy. Năm 1901, 29 tuổi, đỗ Phó bảng, triều đình bổ nhiệm chức Thừa Biện Bộ Lễ, nhưng năm sau cụ xin từ quan, đem cái sở học của mình truyền bá vận động nhân dân duy tân đất nước, khai dân trí, chấn dân khí, chống thực dân, tỏa sáng khí phách phi thường, như cụ Phan Bội Châu từng ca ngợi: “Ba tấc lưỡi mà gươm mà súng, nhà cường quyền trông gió cũng gai ghê; Một ngòi lông vừa trống vừa chiêng, cửa dân chủ khêu đèn thêm rạng chói”(*). Với tinh thần ấy, khi viết những dòng này, tôi luôn nghĩ đến những người thầy, những người bạn của tôi, họ là những hậu duệ, theo con đường thực học của cụ Phan, có học vị, học hàm đúng nghĩa, kiến thức sâu rộng, chuẩn mực, đem lại niềm tin và kiến tạo cơ sở tri thức vững chắc cho bao thế hệ học trò nói riêng và công chúng nói chung.  

Ngược lại, cũng không ít người phấn đấu để gắn được cái “mác” rồi hành xử như “múa gậy vườn hoang” giữa bầu trời tri thức. Tôi cũng thất vọng không khác gì cậu học trò – hiện là nông dân, về một số người (tôi chỉ nói một số) gắn cái “mác” học vị, học hàm, nhưng lại làm cho người khác – nhất là học trò, mất niềm tin, thật là tệ hại. Từ thực tế đó, nghĩ rằng, với các thư viện trường học, nên chọn lọc khi mua sách về cho giáo viên, học sinh tham khảo, nếu đã mua nhầm những cuốn như sách từ điển có nhiều lỗi sai, cần nghiên cứu để thanh lý, đưa ra khỏi thư mục sách tham khảo của nhà trường.

Võ Nguyên

 (*) Trích “Văn tế Phan Châu Trinh” của Phan Bội Châu.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Mác ”