Theo dõi trên

Sắp công bố chương trình môn học mới

19/01/2018, 11:07

BT- Bộ Giáo dục - Đào tạo sắp công bố chương trình môn học mới. Trò chuyện với báo chí, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết, chương trình tiếng Việt/ngữ văn mới dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể mà chú trọng đến những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp. Trong chương trình THPT chỉ còn 6 tác phẩm văn học mang tính bắt buộc gồm: bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc và Tuyên ngôn độc lập. Các tác phẩm văn học khác đưa vào phụ lục.

 Những môn học khác cũng có nhiều điểm mới so với trước đây. Cụ thể, môn toán có tới 21% tổng thời lượng chương trình phổ thông dành cho nội dung ứng dụng. Các vấn đề liên quan đến tài chính sẽ được đề cập giúp học sinh biết vận dụng kiến thức toán học trong giải quyết một số vấn đề về đầu tư hay lãi suất và vay nợ của tổ chức tín dụng... Các dạng bài tập lắt léo, phục vụ thi cử sẽ bị loại bỏ.

 Học sinh bậc THPT sẽ được học thiết kế thời trang, đồ họa, thiết kế trang web, chế tác thủ công... Các môn khoa học tự nhiên sẽ được thiết kế theo hướng ứng dụng, gắn với thực tiễn cuộc sống và bám sát bản chất môn học. Các kiến thức quá khó, hàn lâm sẽ được lược bỏ.

Môn đạo đức, giáo dục công dân cũng được điều chỉnh mạnh mẽ. Ở bậc tiểu học, môn đạo đức hướng tới giáo dục hành vi, kỹ năng. Bậc THCS chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm công dân, giáo dục pháp luật, bậc THPT chú trọng giáo dục pháp luật và kinh tế.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, vẫn còn không ít những băn khoăn, lo ngại, đó là: chương trình môn lịch sử và địa lý mới bắt đầu từ lớp 4 và kết thúc ở lớp 5 với việc tìm hiểu các nước láng giềng, khu vực Đông Nam Á và thế giới, trong khi đó chương trình cũ chỉ mới học lịch sử Việt Nam thôi mà học sinh còn không nắm được hết! Ngay cả những nhân vật nổi tiếng như: Quang Trung, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Nguyễn Du, Kim Đồng… Nay phải học thêm phần lịch sử thế giới với đầu óc non nớt của tuổi mới lớn, học sinh sẽ phải nhớ thế nào đây?

Hai môn lịch sử và địa lý đã được tích hợp thành một môn lịch sử & địa lý. Với kiểu tích hợp cơ học dồn 2 môn vào một cuốn sách để in như hiện nay chỉ làm cho chiếc cặp của học sinh nặng hơn, vì ngày học sử cũng phải mang sách lịch sử & địa lý và ngược lại. Đồng thời làm khổ giáo viên khi ra đề thi buộc phải theo quy định 50% kiến thức sử, 50% kiến thức địa nhưng buộc phải xuyên suốt gần 2/3 chương trình đã học với đủ 4 mức độ theo yêu cầu.

Bậc THCS tích hợp 3 môn lý, hóa, sinh thành môn chung khoa học tự nhiên nhưng vẫn do 3 giáo viên dạy gây không ít rắc rối cho việc phân công chuyên môn, phân chia bài kiểm tra, cộng điểm, vào sổ điểm, theo dõi môn học ở nhà trường…

Vậy có nhất định phải tích hợp như thế không? Chương trình mới nhưng giáo viên vẫn cũ, ngay cả hiện nay số sinh viên đang được đào tạo trong các trường sư phạm lại yếu và chương trình đào tạo cũng chưa thể gọi là mới thì e rằng sự đổi mới này khó mang hiệu quả như mong muốn.                                 

Phan Tuyết



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sắp công bố chương trình môn học mới