Theo dõi trên

Tại sao im lặng

07/09/2018, 09:59

BT- Khi bài “Xôn xao chuyện đánh vần tiếng Việt” vừa đăng trên Bình Thuận cuối tuần số 6096 ngày 31/8, chúng tôi nhận được phản hồi của nhiều bạn đọc, trong đó nội dung nhiều người quan tâm là: Tại sao nói bộ sách Công nghệ Giáo dục – Tiếng Việt 1 của Hồ Ngọc Đại là bộ sách thể nghiệm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chỉ đạo cho gần 50 tỉnh, thành triển khai áp dụng giảng dạy với hơn 800.000 học sinh theo học?

Cuộc thí điểm lạ lùng

Chuyện này không còn lạ, vì đến nay đã có nhiều bài viết đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặt vấn đề về bộ sách với Bộ GDĐT, nhưng vẫn thấy im lặng. Thực ra, bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại viết để dạy thể nghiệm tại ngôi trường do chính ông sáng lập mang tên Trường Thực nghiệm Công nghệ giáo dục ở Hà Nội từ năm 1979. Từ đó đến nay, gọi là thực nghiệm, nhưng Bộ GDĐT lại cho triển khai rộng rãi ra nhiều trường tiểu học trên toàn quốc, dẫn đến sự tranh luận phản ứng từ phía phụ huynh cũng như giáo viên – các nhà chuyên môn. Sau thời gian triển khai không nhất quán, lúc thì thúc đẩy tiếp tục dạy học thí điểm ở các trường tiểu học, lúc thì dừng lại.

Năm 2006, GS Hồ Ngọc Đại chuyển bộ sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục này qua đăng ký đề tài nghiên cứu cấp bộ: “Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số”. Đến năm 2008, Bộ GDĐT quyết định cho thí điểm tiếp ở 5 tỉnh. Năm 2013, Bộ GDĐT tiếp tục quyết định đưa bộ sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục là một trong những tài liệu chính thức – nhưng không ép buộc, vào dạy ở các trường tiểu học để các tỉnh, thành phố lựa chọn. Năm 2017, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ mới ban hành quyết định thành lập hội đồng quốc gia thẩm định lại bộ sách – khi bộ sách đã triển khai rộng rãi. Kết quả thẩm định như thế nào chỉ những người được mời tham gia thẩm định biết, còn phụ huynh thì không biết gì, chỉ biết rằng với bộ sách này đưa vào giảng dạy cho con cháu của họ học ở lớp 1 là vô cùng phức tạp, không phù hợp.

Phải chăng phạm luật

Vấn đề đặt ra là, thí điểm mà sao kéo dài lê thê, từ khi viết sách (1979) dạy ở trường thực nghiệm, đến nay (2018) gần 30 năm như thế. Năm 2013, thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, quyết định chính thức đưa phương án của công nghệ giáo dục về các địa phương áp dụng giảng dạy. Một bộ sách chưa thẩm định nhưng lãnh đạo Bộ lấy làm tài liệu giảng dạy chính thức (tuy gọi là tự chọn) nhưng mặc nhiên song song với sách giáo khoa hiện hành. Trong khi Nghị quyết số 40 năm 2000 của Quốc hội chỉ cho phép giáo dục phổ thông một chương trình một bộ sách giáo khoa thống nhất trên toàn quốc.

Về chuyện duy trì tồn tại bộ sách này, GS Đại nói: “Mà cũng may, hai anh là anh Hiển và anh Luận phụ trách là hai người thực bụng muốn làm giáo dục, không sợ, không ngại thủ tục và chấp nhận danh từ “thí điểm” để lách luật”. Như vậy có nghĩa là những người đứng đầu ngành giáo dục của một đất nước dùng chữ “thí điểm” mà cho triển khai rộng rãi là vậy. Không thực hiện theo đúng nghị quyết, mà cố tình lách luật là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn cứ im lặng, vẫn cứ tiếp tục triển khai.

Một cây làm chẳng nên non

Cho đến nay, trước phản ứng của quần chúng – nhất là phụ huynh và giáo viên, nhiều tỉnh thành lên tiếng thông báo chính thức là không sử dụng bộ sách Công nghệ Giáo dục – Tiếng Việt 1 của GS Hồ Ngọc Đại giảng dạy ở tiểu học từ cách đánh vần đến những nội dung bài học mà họ cho rằng không phù hợp với lứa tuổi. Chính GS Đại cũng đã nói: “Ở phương pháp cũ ai cũng dạy được, có khi mẹ dạy tốt hơn cô giáo. Nhưng với phương pháp mới của tôi, thì ngoài cô giáo không ai làm được. Bố mẹ không làm được. Trẻ con chỉ cần học ở trường là đủ”… Như vậy là tách khỏi nhà trường với gia đình và xã hội, phải chăng đi ngược với Luật giáo dục. Lần trước, chúng tôi nói đó là bộ sách thể nghiệm là vì người viết sách với mục đích dùng để dạy thí điểm ở một trường thực nghiệm mà thôi, còn việc vì sao  mỗi ngày một lan tỏa là đã trình bày ở bên trên.

Chúng tôi nghĩ rằng, việc học chữ Quốc ngữ, từ viết, đến đọc (cả đánh vần) đã trải qua quá trình đến nay khá ổn định, là thành quả của cả cộng đồng dân tộc, nên không thể một cá nhân nào đó đưa ra những đề xuất làm đảo lộn, đi ngược lại với những gì đã ổn định có tính hiệu quả thiết thực, hữu ích, tiện lợi mà cộng đồng đã tạo dựng được. Trước phản ứng của dư luận về việc dạy học bộ sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục như vậy, nhưng không thấy Bộ trưởng Bộ GDĐT đăng đàn trả lời cho công chúng.

Võ Nguyên 

Nguồn tham khảo: http://www.sggp.org.vn; (http://vietnamnet.vn/vn); https://infonet.vn; https://www.24h.com.vn; https://vtc.vn; https://www.nguoiduatin.vn;



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tại sao im lặng