Theo dõi trên

Thợ  “săn hàu nhí”

19/06/2017, 10:48

BT- “Ngày nào cũng vậy, canh con nước cạn em xin cô Tư hàng xóm cùng đi đục hàu. Có khi ở gành đá gần nhà, phường Đức Long còn xa thì ra biển Tiến Thành…”,  giọng cô bé Huỳnh Thị Thanh Hoài (Lớp 6 – Trường THCS Nguyễn Thông, phường Phú Hài, Phan Thiết) cứ giòn tan, rành rọt. Nước da ngăm đen, giọng nói to đặc trưng người con xứ biển của em cuốn hút tôi vào câu chuyện đục hàu của cô “thợ săn nhí”.

Rành nghề từ nhỏ…

Hoài là con gái kế út trong gia đình có 4 anh em. Nhà nghèo nên anh trai của Hoài năm nay 15 tuổi đã bỏ học sớm theo ba bám biển. Nhà chỉ có chiếc ghe nhỏ đánh bắt ven bờ nên nguồn thu rất bấp bênh. Hoài nhớ những ngày ba về ghe đầy cá là những ngày vui. Mẹ em, chị Nguyễn Thị Hồng Chi lại tất tả chạy chợ bán cá để tối về cả nhà có bữa cơm trắng ngon đầy đủ thịt, cá. Rồi những ngày “biển đói”, thuyền nằm bờ, ai kêu gì làm nấy chỉ mong kiếm được vài chục ngàn đồng đắp đổi qua ngày. Đó là công việc của ba, mẹ và anh trai của Hoài. Sớm ý thức hoàn cảnh, ngoài giờ đi học cứ rảnh là Hoài đi theo những phụ nữ trong xóm đục hàu trên các mỏm đá ở bãi biển khi con nước cạn. Hoài đã làm quen công việc này từ khi mới học lớp 2.

Đục hàu hay còn gọi là chập hàu, đi hàu, gõ hàu… đã không còn xa lạ với người dân xứ biển. Nhất là những đứa trẻ nhà nghèo, hay các chị em phụ nữ ở các xóm biển đều sành sỏi. Đục hàu trên cạn ngoài sự vất vả còn thường xuyên sướt da, nứt nẻ tay chân và còn đòi hỏi tính cần mẫn, khéo léo. Chiếc búa nhỏ, 1 cái giỏ nhỏ, 1 chiếc dao… bộ dụng cụ “hành nghề” đục hàu của cô “thợ săn nhí” luôn để sẵn sàng chỉ đợi cô Tư gọi là đi ngay. Để thu hoạch được hàu, Hoài dùng dao gỡ lấy những con hàu bám ở các mỏm đá. Chỉ một chút sơ ý là có thể bị đứt tay, đứt chân bởi vỏ hàu rất sắc, nên ngoài giỏ đựng hàu và dao đục hàu, Hoài còn được cô Tư bày trang bị thêm tất và bao tay thật dày để bảo vệ mình trước chiếc vỏ sắc bén của hàu. “Em phải mất một năm mới làm quen cách đục hàu, nhìn dễ mà khó. Phải cẩn thận kẻo đứt tay như chơi…”, nói rồi Hoài nở nụ cười dễ mến. Giọng cô bé lại trong trẻo, già dặn khi giải thích thêm: “Hàu có quanh năm, nhất là mùa hè con nước thủy triều cạn, các gành đá nhô ra, hàu mới dễ đục. Mấy người đục hàu về bán họ nói nên đi từ 1 giờ chiều. Cô Tư đục giỏi, một buổi cũng kiếm được cả trăm ngàn đồng. Đục hàu xong em theo cô Tư bán mỗi buổi kiếm được 40 ngàn đồng”.  

Quyết tâm theo đuổi con chữ

Sau một hồi say sưa cùng câu chuyện cô bé lớp 6 “săn hàu” rất sành sỏi. Tôi chợt chạnh lòng bởi tuổi còn rất nhỏ mà đã bươn chải dưới cái nắng rát để kiếm tiền trang trải việc học. Chưa kể, khi đục hàu em còn phải đối mặt với hiểm nguy khi những con sóng lớn bất chợt đánh vào bờ… Với em, hè về là cơ hội mưu sinh để có thêm tiền đi học. Có lúc tối mịt mới về nhà nhưng Hoài lại ngồi vào bàn học đến tận khuya mới ngủ. “Khi nào cháu mệt mới nằm lăn ra ngủ. Đợt nắng gắt đi liên tiếp mấy ngày về nằm bệnh phải đi mua thuốc uống mấy ngày mới khỏi”, mẹ Hoài nói. Trong căn nhà trống hoắc, từng làn gió biển lùa vào mát rượi. Em kể cho tôi nghe ước mơ sau này sẽ trở thành một giáo viên tiếng Anh, nên em rất siêng học và học rất giỏi. Thương hoàn cảnh của em, cô giáo tiếng Anh cho em học miễn phí. “Không được ba mẹ cho đi chơi như các bạn em buồn không?”, tôi hỏi. “Em chỉ mong kiếm thêm tiền để phụ gia đình được đi học thôi”. Mong em sẽ được “tiếp sức” để con đường đến trường bớt nhọc nhằn.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thợ  “săn hàu nhí”