Theo dõi trên

Titan Bình Thuận: Cần đánh giá lại hiệu quả khai thác

25/09/2017, 13:58

BT- Cách đây chưa lâu, UBND tỉnh phối hợp Trung tâm Con người & thiên nhiên thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam tổ chức tọa đàm đánh giá tiềm năng, bước đầu đề xuất khai thác, sử dụng khoáng sản titan- zircon trên địa bàn Bình Thuận theo hướng bền vững. Các nhà khoa học nêu lại vấn đề trước đây Bộ Tài nguyên & Môi trường qua thăm dò, dự báo nguồn titan của Bình Thuận gần 600 triệu tấn, chiếm 92% trữ lượng titan cả nước. Hầu hết ý kiến chuyên gia cho rằng đầu vào cho việc lập quy hoạch không chính xác cả về trữ lượng và đánh giá, nhận định về “sức mạnh kinh tế” do titan mang lại phi thực tế.

                
Khu vực mỏ titan khai thác nham nhở ở Hòa    Thắng, Bắc Bình.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng ban Chiến lược & Khoa học công nghệ, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, hiện là chuyên gia độc lập nhận định: Cách tính hiệu quả kinh tế của Bộ Tài nguyên & Môi trường chưa xác thực, đối với ngành khai khoáng, nếu “tiềm năng” titan nằm trong lòng đất là 100%, thì đến “sản phẩm” titan có thể bán ra và thu lợi nhuận chỉ là 2,7%. Tức là số tiền thực tế mà nền kinh tế thu được từ gần 600 triệu tấn “trữ lượng” titan chỉ bằng 2,7% số tiền mà Bộ Tài nguyên & Môi trường tính toán và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Bộ Tài nguyên & Môi trường ước tính 600 triệu tấn titan tại Bình Thuận có giá trị hơn 138 tỷ USD, như vậy ứng với 2,7% giá trị thương phẩm chỉ còn trên 3,7 tỷ USD. Trong đó, lợi nhuận thu về chỉ chiếm 17% giá trị thương phẩm, tức gần 640 triệu USD. Giả sử 600 triệu tấn titan được khai thác hết trong vòng 50 năm, lợi nhuận bình quân 12,8 triệu USD/năm. Với mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp hiện nay 25%, ngân sách nhà nước chỉ thu lại 3,2 triệu USD/năm. Một con số quá nhỏ so với ước tính của Bộ Tài nguyên & Môi trường và những gì chúng ta phải đánh đổi nếu khai thác titan tại Bình Thuận. Bởi vậy, những năm qua, ngành công nghiệp khai thác titan chỉ đóng góp 0,5 - 1% cho GDP Bình Thuận, trong khi ngành du lịch đóng góp gần 10%. Mặt khác, Bình Thuận là một trong những địa phương khô hạn nhất nước. Nguồn nước mặt, nước ngầm tại địa phương khan hiếm, hoạt động khai thác titan cần rất nhiều nguồn nước. Các khu vực quy hoạch khai thác titan đều nằm ven biển, nơi hạn chế nguồn nước ngọt, chỉ ao hồ, sông suối nhỏ có nước vào mùa mưa nhưng chỉ tạm đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt.

Hướng tới khai thác khoáng sản titan bền vững, các nhà khoa học cho rằng, Bình Thuận cần kiến nghị bộ, ngành rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng titan đến 2020, xét tới năm 2030 cho phù hợp thực tế. Khu vực mỏ nào ảnh hưởng đến dân sinh, không an toàn mỏ, không đảm bảo nguồn nước; nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước, đất, sức khỏe nhân dân; công nghệ khai thác lạc hậu nên điều chỉnh. Trong khi chờ đợi Bộ Tài nguyên & Môi trường xem xét, giải quyết đề nghị của tỉnh, cho phép Bình Thuận chấp thuận đầu tư triển khai 33 dự án phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, dự án du lịch nằm trong vùng dự trữ khoáng sản quốc gia (bị chồng lấn bởi quy hoạch titan trước đó).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Nam cho biết, hiện nay tỉnh đã đề nghị Bộ Công Thương rà soát, điều chỉnh quy hoạch titan trên địa bàn tỉnh, diện tích nào qua rà soát có hàm lượng không đạt hoặc không phù hợp thì đưa vào dự trữ lâu dài hoặc không quy hoạch, chỉ khoanh định giữ lại diện tích thực sự phù hợp phục vụ các nhà máy chế biến sâu titan, đồng thời tỉnh cũng đã kiến nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường sớm hoàn chỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ công tác đánh giá tác động môi trường quá trình hoạt động khai thác khoáng sản titan trên địa bàn Bình Thuận hiện nay, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.

T. Khoa



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Titan Bình Thuận: Cần đánh giá lại hiệu quả khai thác