Theo dõi trên

“Bí kíp” chạy vượt đồi cát

13/02/2019, 08:40 - Lượt đọc: 30

BT- Vượt đồi cát, người chạy không chỉ rèn thể lực mà phải biết kỹ thuật đáp chân xuống bề mặt cát sao cho giảm diện tích tiếp xúc. Nếu không, người chạy tốn nhiều sức hơn và khó tăng tốc về đích… Đây là những chia sẻ các vận động viên tại Giải Vượt đồi cát 2019.

 Nguyễn Thị Kim Thúy (phường Đức Nghĩa): Chạy trên cát khá nặng chân

“Với kết quả giành giải nhất nữ cự ly 2.000 m tại hội thi vượt đồi cát xuân Kỷ Hợi 2019, em rất hạnh phúc. Tại hội thi năm nay, phường  Đức Nghĩa đạt giải nhất đồng đội nữ, nhiều cá nhân cùng đội đạt giải khuyến khích…” - em Thúy vui mừng cho biết. Năm 2018, lần đầu tiên em tham gia hội thi, về đích thứ 4 và nhận giải khuyến khích. Đó là cơ hội cho em trải nghiệm, rút ra được bài học. Khi bước vào cuộc thi, tốc độ và lực chạy trên đường trường khác hoàn toàn khi chạy trên cát. Bước chân chạy trên đường trường rất nhẹ, còn chạy trên đồi cát nhấp nhô thì bước chân rất nặng. Trước khi tham gia hội thi vượt chạy đồi cát 2019, em đã cật lực luyện tập trong thời gian 1 năm 2 tháng, đặc biệt chú trọng vào tập chạy cầu thang  tại trường và nhà.

 Trần Văn Công (xã Thiện Nghiệp): Rèn thể lực đều đặn rất quan trọng

Để chạy đồi cát, ngoài chuyện rèn luyện tập thể lực, thì vận động viên phải biết phân phối sức chạy trên đường đua hợp lý giữ đều nhịp tim, tránh sốc hông. Anh cho biết: “Năm nay, thể lực các vận động viên khá tốt, khoảng cách của mình với các bạn trên đường đua khá gần. Tôi vẫn nhớ như in ngày đầu tiên tập chạy trên cát cùng anh trai (Trần Văn Tài) khá mệt, 2 chân mỏi nhừ do chưa quen. Sau đó, tôi cứ tập luyện mỗi ngày 2 lần (sáng và chiều) trên đồi cát Thiện Nghiệp, Mũi Né”. Bởi sự yêu thích và cứ cố gắng rèn luyện, kể từ năm 2009 đến nay, anh Công đều đạt ngôi vị nhất hoặc nhì cự ly 4.000m gồm 800m đường nhựa, 3.200m đường đồi cát. Không những thế, anh còn đạt huy chương bạc giải điền kinh quốc gia năm 2016.  

Nguyễn Thị Mỹ Trinh (phường Xuân An): Giảm tiếp xúc cát, sẽ kéo chân nhanh

Chạy trên đồi cát với địa hình lên dốc, xuống dốc liên tục thì vận động viên sẽ khó khăn hơn, tốn nhiều sức hơn và tốc độ sẽ mau giảm so với chạy trên bề mặt bằng phẳng với nền cát cứng. Nếu năm 2018, em bắt đầu tham gia hội thi và đạt giải khuyến khích, thì năm nay giải nhì của cự ly 2.000m (800 m đường trường, 1.200 m đồi cát) thuộc về em. Sau lần thi đầu tiên, em nhận thấy: “Khi chạy trên đồi cát, người chạy đáp cả bàn chân xuống bề mặt cát, lúc này  trọng lực cơ thể dồn xuống, chân sẽ lún hơn, khó di chuyển bước chân kế tiếp. Vì vậy, người chạy chỉ đáp xuống bằng mũi chân, giảm diện tích tiếp xúc cát, thì bước chân kéo nhanh hơn”.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Bí kíp” chạy vượt đồi cát