Theo dõi trên

Lối ra cho tro xỉ và vật chất nạo vét

27/09/2018, 16:56

BTO- Xây dựng khu lấn biển để chứa tro xỉ và chất nạo vét; Dùng xỉ than làm vật liệu đắp nền đường cao tốc... Trong lúc hàng loạt doanh nghiệp thép, nhiệt điện than trên cả nước xin "nhận chìm vật chất nạo vét " xuống biển, thì Bình Thuận đang đề xuất nhiều phương án mới.

Nhiệt điện Vĩnh Tân

Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (Bình Thuận) có 5 nhà máy nhiệt điện than, hiện mới có 2 nhà máy là Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân 4 đi vào hoạt động, nhưng đã tồn đọng một khối lượng tro xỉ rất lớn. Sắp tới khi cả 5 nhà máy ở Vĩnh Tân hoàn thành đi vào hoạt động, thì khối lượng tro xỉ thật khổng lồ. Đây là nguy cơ ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh dự án.

Mặt khác để đảm bảo hoạt động, 5 nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân buộc phải thường xuyên nạo vét khu vực cảng nhập than, luồng, vũng quay tàu, nên cần có một phương án sử dụng vật chất nạo vét vừa bảo đảm môi trường và hiệu quả dự án.

Năm ngoái, việc xin "nhận chìm" hơn 1 triệu khối vật chất nạo vét cảng nhập than của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đã thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước. Cuối cùng Chính phủ đã không đồng ý phương án "nhận chìm", mà yêu cầu sử dụng hơn 1 triệu khối chất nạo vét ấy để san lấp mặt bằng cảng Vĩnh Tân.

Tiếp đó năm nay dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 lại xin nhận chìm gần 1 triệu khối chất nạo vét xuống biển, nhưng không được bộ TN-MT và tỉnh Bình Thuận đồng ý.

Tỉnh Bình Thuận vừa thống nhất với EVN một chủ trương là xây dựng kè chắn sóng biển (trong khuôn viên 60 ha) tạo bãi chứa vật chất nạo vét và xỉ than của các nhà máy nhiệt điện lâu dài, vừa tạo thành cảng chuyên dùng. Với chủ trương này, phương án "nhận chìm" vật chất nạo vét xuống biển Bình Thuận không còn nữa.

Tuyến cao tốc Bắc-Nam (phía Đông) trong đó đoạn cao tốc qua Bình Thuận có chiều dài khoảng 160 km, dự kiến thi công và hoàn thành vào năm 2021. Vừa qua Bình Thuận đã đề xuất tận dụng khối lượng xỉ than tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân để làm vật liệu đắp nền đường dự án, nhằm giảm giá thành và giải quyết các vấn đề môi trường tại địa phương.

Đây là giải pháp khả thi vì trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu sử dụng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện để sản xuất xi măng, gạch không nung, phụ gia cho bê tông, đắp nền, cải tạo nền móng đường sá.

Mặt khác Bình Thuận đang thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều dự án xã hội hóa làm đường GTNT được triển khai, trong khi nguồn vật liệu đất, cát, đá, sỏi ngày càng khan hiếm, giá thành cao. Nếu tận dụng nguồn tro xỉ từ Điện lực Vĩnh Tân thì sẽ tạo bước đột phá trong làm GTNT. Tại tỉnh Hà Tĩnh đã tận dụng tro xỉ từ nhiệt điện Vũng Áng làm GTNT rất hiệu quả. Bình Thuận đang kiến nghị Bộ xây dựng sớm ban hành quy chuẩn VLXD từ nguyên liệu xỉ để làm GTNT, cũng như chống sạt lở bờ biển, mở đường cho việc tận dụng tro xỉ làm hạ tầng giao thông và lấn biển. Hồi âm từ Bộ Xây dựng thì cuối năm nay hoặc đầu năm 2019 sẽ ban hành bộ quy chuẩn này.

Bình Thuận đang nỗ lực tìm lối ra cho tro xỉ và vật chất nạo vét ở Vĩnh Tân vì đây là một đòi hỏi cấp bách. Dư luận vừa qua rất ủng hộ khi Bình Thuận yêu cầu dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 1 trước khi vận hành chính thức phải có đề án tiêu thụ tro, xỉ (dự án này đang vận hành thử nghiệm), tránh tình trạng "thế đã rồi" như Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân 4.

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lối ra cho tro xỉ và vật chất nạo vét