Theo dõi trên

Cốm tết Bình Thuận

22/12/2016, 09:05

BT- Cốm tết, món ẩm thực không thể thiếu trên bàn thờ cúng ông bà, tổ tiên trong mỗi dịp tết đến, xuân về. Đã có một thời gian, cứ mỗi dịp tết đến, xuân về là nhà nhà làm cốm, người người làm cốm, trẻ con cầm trên tay hộc cốm tết chia nhau ăn thật thích thú. Tuy nhiên, giờ đây những hình ảnh đó ngày càng phai nhạt trong ký ức của nhiều người.

 Trước đây, ở TP Phan Thiết có rất nhiều cơ sở làm cốm nổ, nhưng hiện nay số lượng cơ sở này chỉ còn khoảng hơn 20 điểm sản xuất, tập trung với sản phẩm chủ yếu là cốm sấy để phục vụ cho du khách. Đến với cơ sở sản xuất của anh Lê Nguyễn Tấn Nhật (số 2 đường Hoàng Diệu, phường Đức Thắng, TP.Phan Thiết) với thương hiệu cốm Hòa Hiệp. Anh vui vẻ cho biết anh đã làm quen với nghề từ khi còn nhỏ, đây là tổ nghề của gia đình đã truyền qua 4 đời, tới đời anh vẫn tiếp tục giữ gìn và phát huy. Tuy nhiên hiện nay, người làm cốm tết đúng nguyên bản còn rất ít, hiện giờ sản phẩm chủ yếu trên thị trường là cốm sấy bán cho du khách.

Anh cho biết thêm: “Cốm tết của người Bình Thuận có nét đặc trưng riêng không giống loại cốm làm bằng hạt nếp non gói lá sen của người miền Bắc, hay cốm nổ làm bằng gạo của người miền Tây. Cốm nổ Phan Thiết được làm từ gạo nếp ngon (nếp 3 tháng), được lấy từ Phú Long về, bởi loại nổ này sau khi bỏ vào miệng thì rất thơm, tan đều trong lưỡi nên khách hàng rất ưa chuộng. Nếp sau khi sơ chế thành nổ cốm được trộn đều với hỗn hợp đường cát, sữa, nước cốt dừa… đã được chế biến. Tùy theo khẩu vị mà người làm cốm kèm thêm một số phụ liệu nữa là gừng và thơm, nho khô, chuối khô… trộn đều từ 30 - 45 phút, sau đó để nguội là có thể đóng khuôn được. Hỗn hợp này tiếp tục được cho vào khuôn có hình chữ nhật (còn gọi là hộc cốm), trước đây hộc làm bằng gỗ, tuy nhiên trong quá trình làm hay bị dính khuôn và đổ nhớt, khó vệ sinh nên hiện nay nhiều người dùng hộc bằng nhựa, sau đó đậy nắp rồi dùng đòn bẩy nén chặt. Sau khi lấy ra khỏi hộc cốm được đem phơi nắng khoảng 4 - 5 tiếng rồi dùng giấy màu hoặc bao kiếng gói lại, sau đó đính kèm thêm vài bông hoa giấy dán thêm phía trước hộc cốm là sản phẩm đã hoàn thành.

Với những người con Bình Thuận xa quê, mỗi khi có dịp về quê ăn tết là không thể nào quên được vị cốm tết quê nhà. Những lát cốm vàng, xen lẫn với những mảnh thơm, mảnh gừng mỏng trông rất hấp dẫn. Trong thời tiết giá lạnh của ngày tết, cắn từng miếng nhỏ, nhai thật chậm sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngon, ấm nồng của miếng cốm. Cốm hộc là thứ quà đặc trưng của vùng đất Bình Thuận, là tinh hoa truyền lại từ nhiều đời. Người Bình Thuận mỗi khi nhìn thấy cốm hộc là biết tết đến, xuân đã về, là nét đẹp văn hóa không thể lẫn vào đâu được của người dân Bình Thuận.

 Trung Hiếu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cốm tết Bình Thuận