Còn đây nỗi nhớ ngày xưa
Còn đây nỗi nhớ ngày xưa!
BT- Tác phẩm “Giẫm lên
bóng mình” của Mai Việt (do NXB Hội Nhà văn - tháng 7/2020), đầy đặn với
70 bài thơ, đã gây cho tôi một cảm xúc rất thi vị ngay từ cái tên tập thơ nghe
là lạ. Thêm nữa, với cái “tạng” của người đồng thời chắc chắn tôi dễ bắt gặp sự
rung động cho chính mình qua thơ Mai Việt. Trang đầu tiên, có thể coi đó là lời
giải bày, phi lộ nhưng đây cũng vừa là một bài thơ xuôi, mênh mang nỗi nhớ, thấp
thoáng chiếc bóng đời anh, “…đêm tôi như ngọn gió phiêu bồng thổi về dưới mái
hiên nhà cũ lần giở lại từng trang thơ còn nguyên nỗi nhớ, những bài thơ không
hạnh phúc giẫm lên bóng mình”, là vậy!
Vượt ngưỡng tuổi 70, lòng ai
cũng luôn trở về với ngày xưa ấy. Dù trước 1975, thời thanh xuân Mai Việt đã làm
thơ và có thơ trên vài tạp chí, trang báo ở Sài Gòn. Nhưng mãi đến sau này, từ
khi anh trở thành hội viên Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Bình Thuận, thơ của anh
xuất hiện với một tâm thế đầy chiêm niệm trước cuộc đời hiện hữu. Lúc này, đã
qua một chặng đời khá dài với bao thăng trầm, để rồi anh tự dỗ dành “Vùi đi
thôi bếp than hồng đã nguội/ Lửa ơi đừng khơi lại những tàn tro” (Nín
đi mùa đông). Cũng là lẽ thường tình của người mang trái tim nhạy cảm.
Mai Việt được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Thân sinh
anh là nghệ sĩ Mai Hiếu, người có một giọng nói truyền cảm, từng nổi tiếng với
loại tranh cắt dán bằng đôi bàn tay tài hoa và cũng từng vào vai tài tử cho một
bộ phim nhựa dựng cảnh ở đất Phan Thành... Cho nên với tập thơ này, dù có gọi là
tác phẩm đầu tay của Mai Việt nhưng thật ra chỉ là sự kết nối những hoài niệm
bằng chính những dòng thơ thuở nào, “Một hôm xếp lại bộn bề/Mới hay sợi tóc
ngả về mùa đông” (Nghe hoàng hôn rơi).
Với chừng đó bài thơ đã được
chọn lọc, Mai Việt không nhất thiết phải sắp xếp như thường gặp, mà bất cứ bài
nào, với tôi vẫn cảm nhận đó là nhịp thở, là tâm trạng. “Tay xếp lại buồn vui
nắng gió/ Cất Sài Gòn vào năm tháng nguôi ngoai” (Gởi em và Sài Gòn).
Tôi nhận ra trong thơ Mai Việt không nhọc công chải chuốt mà có được tính dung
dị và đạt được cái mới, cái tự nhiên. Đó mới chính là nhan sắc của thơ. Hoàng
Đình Kiên, nhà thơ Trung Quốc từng viết: “Thi nhân tối kỵ tùy nhân hậu” (với ý,
nhà thơ tránh nhất là rập khuôn người khác), mà phải chính mình bằng ý thức sáng
tạo từ ngôn ngữ, cách nghĩ, cách viết... Trong thơ Mai Việt đan xen hình ảnh với
nỗi niềm, giữa mộng và thực nên “giẫm” lên nhau một cách tài hoa. Đất Cà Mau một
thời anh đã sống đã yêu: “Bến Bắc già nua nhường cho những nhịp cầu duyên
dáng/ Dĩ vãng nào trôi theo đám lục bình/ Tình cũng trôi xuôi dòng nhân mệnh/
Chiếc nhẫn nào duyên trên ngón tay mình?” (Nỗi nhớ Cà Mau).
Tôi coi đây là tập thơ tình đúng nghĩa, dù Mai Việt lang thang theo bóng thời
gian, những lúc “ngọn nến thắp lên soi tôi vào cõi không màu không sắc của
thời gian” (Giẫm lên bóng mình), hay viết cho thân phận, cho
tình yêu…vẫn một mạch chảy thê thiết của những giấc mơ. “Ở cao nguyên sao cứ
nhớ đồng bằng/Cá lội biển Nam chim bay trời Bắc/Nên tôi với cuộc tình còn mãi
phía ly thân” (Phút tình lạnh cao nguyên). Thơ anh mang đầy
suy niệm về tâm linh, số phận và không còn khoảng cách của thời gian, nhưng tạo
nên sự rung cảm, lao xao… Không những cái cần cho bài thơ hay là phải có cảm
xúc, cái đẹp mà còn có gắn với đời sống, thân phận con người. Thật nồng nàn, da
diết: “Thuở mười sáu lòng ai cũng mong manh như gió/Nên cơn bão nào cũng làm
buốt trái tim đau/Tôi và em cũng tựa như làn khói/ Khi xa rời ai còn ai nhớ
nhau” (Đời mất bóng hoàng lan). Với hình ảnh mái ngói rêu xưa,
nhớ đến quê nhà, và thật đắc với “Lòng như mái lợp âm dương/ Từng viên ngói
vọng về nương náu hồn” (Bóng quê). Đây là một trong những bài
thơ hay, đầy tự sự bằng ngôn ngữ thơ chân thật mà đậm tình. Những u ẩn, khắc
khoải đeo đẳng trong thơ anh như nỗi ám ảnh số phận của một thời, nhưng nay cũng
chỉ là chiếc bóng. Chiếc bóng để chính mình giẫm lên, đã làm cho thơ Mai Việt
không rơi vào bi lụy mà cảm thấu cội nguồn của dâu bể cuộc đời: “Tôi đến đây
rồi tôi sẽ đi/Tử sinh nằm trong lẽ vô thường/Cánh áo nhân gian thay rồi mặc
lại/Thiên cổ nào còn giữ chút mùi hương” (Tặng một người ở Downey Cali).
Bằng phong cách ngôn ngữ thơ hào sảng, đời thường, tưởng chừng cũ kỹ nhưng bật
lên sự lộng lẫy, tinh khiết của nỗi buồn. Và Mai Việt đã chọn riêng con đường
thơ cho mình như thế.
PHAN CHÍNH