Theo dõi trên

Đa Mi (Hàm Thuận Bắc): Đánh thức vùng du lịch sinh thái dưới chân thác 9 tầng

25/12/2017, 08:24

BT- Thiên nhiên tạo ra cảnh vật. Con người bằng ý tưởng, thổi vào cảnh vật để làm nên nguồn thu, tạo nên nơi thư giãn, giải trí cho con người, xét đến cùng là phát triển du lịch vậy!

 Khác với 10 năm trước đây,  phải đi theo lối mòn, có đoạn phải cưỡi lên đá tảng mà đi, hiện nay đường vào tổ 5, tổ 6, vào thác 9 tầng tại thôn Đa Tro, xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc) rất dễ đi vì có đường bê tông đủ rộng  cho xe tải nhỏ đi lại. Đây là điều để nhiều tốp nhỏ thanh niên rủ nhau đi “phượt”, đến thác 9 tầng, con thác lớn nằm giữa rừng già thuộc Khu bảo tồn Hàm Thuận - Đa Mi. Đây cũng chính là thác mẹ, để sau khi đổ xuống dưới thấp, nước của thác 9 tầng  tiếp tục hình thành thác Sương mù, thác Mưa bay, thác Gấu… tiếp tục đổ vào  suối Đôi rồi cuối cùng đổ vào hồ Đa Mi. Đây cũng là con thác  chưa bao giờ ngưng nước bởi hình thành trên cao nguyên, trong những cánh rừng già của  tỉnh Bình Thuận - Lâm Đồng, cao trên 600m so với mặt biển. Chị Trần Thị Út, còn gọi là Út quán (vì nhà mở quán bên cạnh chân thác) nói: “Không ngày nào không có đoàn phượt vô thác. Tết thì rất đông thanh niên bên Lâm Đồng qua. Nhờ vậy, tôi có thêm  khoản tiền trông xe vì từ nhà tôi vô chân thác chỉ khoảng 200m”.

                
Chị Trần Thị Út đang hái quýt trong vườn    dưới chân thác 9 tầng.

Bên cạnh thác 9 tầng, hiện nay, người dân trong quá trình lập nghiệp đã lập nên những vườn cà phê, cam, quýt, sầu riêng… đủ lớn, để thu nhập của mỗi gia đình từ 300 triệu đồng - 1 tỷ đồng/năm. Ông Lê Văn Sơn, một nhà nông khá giả ở tổ 6, sau khi trừ mọi chi phí thu nhập ròng 500 triệu đồng/năm, nói: “Cam đường ở Đa Tro trái nào cũng to bằng cái chén ăn cơm trở đi. Mùa này (tháng 12/2017) cam đang chín. Thanh niên sau khi đi thăm thác 9 tầng thường vô vườn cam, quýt của cô Út, của ông Mận và nhiều người khác nữa mua trái cây ăn, đến tối mới rủ nhau về… Nhà tui cách thác khoảng 1 km, chớ nếu ở gần, tôi cho họ thuê võng, nghỉ ngơi, mình lại bán thêm được trái cây, chẳng phải thêm tiền?”.

Đúng như ông Sơn nói, hiện nay tại thác 9 tầng và chung quanh thác chưa được khai thác tốt. Chưa có đường bằng phẳng (bê tông) và các bảng hướng dẫn lên từng tầng thác, cũng như đặc điểm của từng tầng…

Các chủ vườn cây ăn trái chỉ biết  bán trái cây thu lợi,  chưa nhìn thấy: nguồn thu tiềm năng là phát triển  du lịch sinh thái qua công thức: nhà vườn và sản phẩm nhà vườn +  dịch vụ hướng dẫn thăm thác + đêm thiên nhiên kết hợp lửa trại…

Nếu được tổ chức và quảng bá loại hình du lịch tổng hợp nói trên, Đa Mi với sự kỳ thú sẵn có của thiên nhiên, sự mới lạ, cũng như khai thác yếu tố phiêu lưu,  khám phá… sẽ là  lực hấp dẫn để những người ham thích du lịch, khám phá thiên nhiên tìm tới, nhất là giới trẻ.

Được biết, UBND xã Đa Mi vừa qua đã có Kế hoạch số 59-/KH/ĐU về thực hiện  Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa XIII) về phát triển du lịch đến năm 2020, nhấn mạnh đến việc khai thác các nguồn lực để phát triển du lịch tại Đa Mi, trong đó có thác 9 tầng. Tuy nhiên, nếu chỉ một xã như Đa Mi hướng đến việc khai thác và hình thành vùng du lịch sinh thái quanh thác 9 tầng là chưa đủ. Nó cần được sự trợ lực từ huyện Hàm Thuận Bắc và tỉnh.

Hà Hoàng Hạc



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đa Mi (Hàm Thuận Bắc): Đánh thức vùng du lịch sinh thái dưới chân thác 9 tầng