Theo dõi trên

Tạp bút: Sinh con rồi mới sinh cha

23/03/2018, 09:05

BT- Một thế hệ cha mẹ “biết tuốt” lùi xa, một thế hệ phụ huynh không ít người “buông xuôi” xen với những người làm cha làm mẹ thật sự biết ưu tư và lấy dần lại “phong độ” đang là một thực tế.

                
Câu chuyện con cái bên ly cà phê thật thú    vị với quý ông. Ảnh minh họa

Bạn cà phê sáng nay, một tay nông dân mới, chủ trang trại thanh long thu nhập cả tỷ đồng một năm, bắt đầu bằng kiểu nói như nước nhảy lên bờ: “Chịu chết! Con cái nó kéo mình đi. Mình biết gì đâu mà dạy nó. Tiếng Anh tiếng em không biết, mạng miếc chẳng rành… Biết làm sao. Hồi xưa, ba má mình làm chuẩn, mình cứ vậy nghe theo, giờ lộn tùng phèo lên hết. Không chịu chết thì biết làm sao?”.

Những phụ huynh như tay nông dân này rất nhiều, nghiễm nhiên coi con cái thuộc thế giới khác, một thế giới mà mình không biết gì, bất lực hoàn toàn và coi việc buông xuôi của mình như chuyện tất nhiên. Họ cũng chẳng biết nhận định thế nào về facebook, về Google, về game, chẳng biết nên cấm đoán hay khuyến khích, “mặc kệ chúng nó” là phải hay theo dõi can thiệp là đúng… Và họ thành thực rút lui.

Một phụ huynh khác, ngày trước cũng học đến tú tài một, rít một hơi thuốc lá vừa phì khói vừa nói: “Nháo nhào cả lên! Là tôi nói chuyện cả cha mẹ con cái cứ nháo nhào cả lên. Bọn trẻ bây giờ không bằng được bọn tôi hồi đó”. Một kiểu nói cực đoan và bỏ lửng. “Không bằng” là không bằng điều gì? Loại suy nghĩ này vô tình đã tạo ra trở lực. Việc ông có vợ con, tạo được cơ ngơi nhà cửa, đi đứng chững chạc cũng tốt nhưng đâu phải là tất cả. Nếu áp đặt ngang phè, tự mãn kiểu vậy chẳng phải chúng ta, những người làm cha làm mẹ, đã không những thiếu sự tôn trọng con cái mà còn bộc lộ sự thiển cận của chính mình hay sao.

Ở quán cà phê mà việc đưa chuyện giáo dục con cái thời nay thành đề tài tranh luận thì quả là tín hiệu đáng mừng về sự quan tâm của các bậc phu huynh, thế nhưng cái sự “nhận ra” cũng trăm vạn đường khó nói. Cũng không biết có may mắn không khi trong bàn có một ông thầy giáo, bởi những lời khuyên đậm mùi sách vở đôi khi cũng là cách nói trớt quớt, “khó quá, cho qua!”. Chẳng hạn như ông thầy sáng nay một hai cứ khuyên “Cha mẹ là phải biết làm bạn với con cái” nhưng ông không nói làm bạn thế nào, mức nào và chưa hỏi tới khoảng cách tuổi tác của từng “cặp bạn” ấy ra để có cách tiếp cận phù hợp. Muốn làm bạn với con nhưng con cự tuyệt “tình bạn” ấy thì làm sao? Tuổi già hay mủi lòng bị gạt phăng ra vì không cùng mối quan tâm, vì các tư vấn bị coi là không hấp dẫn, không thích, các chia sẻ phản tác dụng làm cho con cái mắc cỡ với bạn bè thì lúc đó “đường ai nấy đi” còn khổ hơn… Riêng cái chữ “bạn” ấy không thôi, nếu xét về thực tế cũng không hề đơn giản. Một kẻ quá chậm chạp với một người quá nhạy bén, làm bạn thế nào đây? Có vẻ như các giềng mối cũ về tôn ti trật tự gia đình, về giáo dục con cái đang bị vỡ ra, cần một nỗ lực không nhỏ mới có thể sắp xếp lại. Chỉ những kinh nghiệm truyền từ đời này sang đời khác, chỉ những vốn sống bản thân đã trải nghiệm, chỉ với vốn văn hóa nền minh triết của người Việt cũng chưa đủ, những làm cha làm mẹ ngày nay cần nhiều hơn như thế, cái cần không dễ có của giai đoạn hội nhập.

Ngay cả thời bây giờ, thời mà tất cả đều biến chuyển như vũ bão, ngẫm lại lời ông bà mình dạy từ ngàn xưa cũng chẳng sai: “Sinh con rồi mới sinh cha”.

Cũng trong buổi cà phê sáng nay, anh bạn tôi, người có những đứa con thành đạt, chia sẻ những điều mà tôi tâm đắc. Anh từ tốn: Đúng là có con, cha mẹ mới được sinh ra lần nữa. Ánh sáng luôn đi tới, bởi vậy khi có con, người làm cha làm mẹ vì tình thương con mà phải nỗ lực học tập, học cách làm cha làm mẹ, học để trang bị kiến thức ít nhất cũng đi được cùng con một quãng, càng dài càng tốt. Quãng đường đi cùng này rất quan trọng, nơi đó, người cha người mẹ “mới sinh” kia có lúc phải vất vả bơi, có lúc tưởng như hụt hơi phải dừng bước bất lực, vui nhiều nhưng buồn cũng không ít. Thật ra, chuyện cha mẹ dừng bước để con đi tiếp một mình là chuyện quy luật nhưng ý nghĩa và tác dụng giáo dục nằm ở ngay bước đồng hành đầy những cố gắng ấy. Chỉ có như thế sự tận tâm, tận lực của các đấng sinh thành mới đem lại niềm vui (sự thành đạt của con cái là niềm hạnh phúc lớn nhất của cha mẹ). Trên bước đường đồng hành, nếu tạo được lằn ranh mờ nhạt giữa hai thế hệ mới tạo sinh được cái gọi là “tình bạn” mà các sách vở giáo dục thường nói tới. Khó nhưng không phải là không làm được, nếu lấy tình thương làm mục đích chứ không phải những giá trị thực dụng theo xu hướng của một số không nhỏ phụ huynh ngày nay.

Ánh sáng đi tới và lằn ranh mờ nhạt. Rời quán cà phê, tôi ghi nhớ “nhận thức” này như một bài học quý cho chính mình trong việc dạy dỗ con cái. Và cái câu ông bà mình dạy “Sinh con rồi mới sinh cha” đang ngân ngân bên tai tôi.

Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
 Cử tri xã Thuận Minh: 
Kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến chế độ người có công
BTO-Tiếp tục chương trình làm việc, chiều ngày 8/5, bà Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận đã có buổi tiếp xúc với cử tri xã Thuận Minh – huyện Hàm Thuận Bắc trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri các kỳ tiếp xúc trước. Cùng dự buổi tiếp xúc còn có lãnh đạo chính quyền địa phương, đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạp bút: Sinh con rồi mới sinh cha