Theo dõi trên

Cải cách tài chính công:  Tạo nguồn kinh phí, tăng thu nhập cho người lao động

18/01/2019, 09:54

 BT- Tài chính công là một phạm trù gắn với các hoạt động thu, chi bằng tiền, phản ánh các quan hệ kinh tế dưới hình thức giá trị trong quá trình hình thành và sử dụng các quỹ tiền tệ của nhà nước.

                
      
Khách sạn Đồi Dương sẽ tự đảm bảo chi    thường xuyên và chi đầu tư sau khi chuyển đổi. Ảnh: Đình Hòa.

 Giao quyền tự chủ cho các đơn vị

Từ nhiều năm qua, Bình Thuận đã và đang thực hiện rất tốt Nghị định 130/2005 của Chính phủ về quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí hành chính đối với cơ quan nhà nước. Quản lý tài chính công được thực hiện theo 4 nguyên tắc cơ bản: hiệu quả, thống nhất, tập trung dân chủ và công khai minh bạch. Hiệu quả thể hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội. Thống nhất quản lý bằng pháp luật là nguyên tắc không thể bỏ qua trong quản lý tài chính công. Tập trung dân chủ đảm bảo cho các nguồn lực của xã hội được sử dụng tập trung và phân phối hợp lý. Công khai minh bạch trong quản lý sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng có thể giám sát, kiểm soát các quyết định về thu, chi tài chính, hạn chế những thất thoát và bảo đảm tính hiệu quả. Đánh giá của tỉnh cho thấy các cơ quan, đơn vị được giao tự chủ đều thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; đã chủ động trong việc sử dụng biên chế, kinh phí tự chủ được giao. Qua đó, hạn chế được những chi tiêu không hợp lý, tham nhũng, các đơn vị đều tuân thủ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đến nay, các sở ngành, huyện thị, thành phố đã xây dựng, ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản công. Đã có 39/39 sở, chi cục và 131/131 đơn vị sự nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật về sử dụng ngân sách nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tạo nguồn kinh phí tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Được biết, chủ trương của tỉnh là tiếp tục thực hiện cấp kinh phí tự chủ cho 53 đơn vị quản lý nhà nước khối tỉnh và triển khai đến 10 huyện, thị, thành phố.

 Tăng dần tính tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là yêu cầu đặt ra trước thực tiễn ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn. Từng đồng vốn của nhà nước làm sao sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, không bị thất thoát là trách nhiệm của đơn vị sử dụng. Tăng tính chủ động cho các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trong hoạt động được xem là yếu tố tạo động lực cho việc cạnh tranh, phát triển của từng đơn vị. Chính vì thế, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh đôn đốc các ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện lộ trình tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 16/2015. Hiện nay, sở đã trình UBND tỉnh giao kinh phí tự chủ tài chính cho 141/141 đơn vị sự nghiệp công lập; phối hợp với các ngành thực hiện tăng dần tính tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó nâng dần tự đảm bảo tài chính của đơn vị. Và để tiến tới thực hiện lộ trình này, việc thẩm định phương án chuyển đổi loại hình đơn vị sự nghiệp công từ đảm bảo chi thường xuyên sang đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư cho Khách sạn Đồi Dương, Khách sạn Bình Minh cũng đã được tiến hành.

Có thể nói rằng, giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập đã tạo bước chuyển biến lớn trong quản lý tài chính công. Cơ chế này nhằm giảm bớt gánh nặng ngân sách phải “oằn mình” cõng trên lưng bấy lâu nay. Cái được tiếp theo không thể phủ nhận là khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công chủ động, xây dựng định mức, chế độ quản lý, chi tiêu sử dụng kinh phí hợp lý, hiệu quả. Từ đó, các đơn vị này sẽ tính toán, bố trí nhân lực theo yêu cầu công việc, cung ứng dịch vụ tốt thì thu nhập của người lao động chắc chắn được cải thiện.

Như Nguyễn



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cải cách tài chính công:  Tạo nguồn kinh phí, tăng thu nhập cho người lao động