Theo dõi trên

Chuyện ở đảng bộ không có đơn tố cáo

12/06/2018, 08:23

Bài 1: Phân công trách nhiệm cho từng đảng viên

BT- LTS: Trong công cuộc xây dựng, phát triển Đảng hiện nay, một vấn đề luôn được Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra là xây dựng lòng tin trong quần chúng nhân dân, phát huy vai trò của người đảng viên, tiên phong đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội. Để làm được điều đó, ở mỗi chi, đảng bộ có cách làm khác nhau. Tại huyện đảo Phú Quý, xây dựng Đảng, củng cố lòng tin trong nhân dân đang được thực hiện một cách đồng bộ và mang lại hiệu quả cao.

                
Một góc huyện đảo Phú Quý.

Khí chất người Phú Quý

Phú Quý hiện có khoảng 27 nghìn dân. Đa phần trong số họ là những người sống lâu năm ở đây, mưu sinh chủ yếu bằng nghề đi biển. Cái khó khăn, khắc nghiệt của thời tiết huyện đảo đã hun đúc cho người Phú Quý một tinh thần đoàn kết rất cao. Một người vì mọi người và mọi người vì một người. Khi một gia đình nào đó gặp khó khăn thì sẽ có những người hàng xóm cùng phụ giúp. Điển hình là khi một gia đình nào đó có người thân qua đời thì tất cả những người trong thôn sẽ đến giúp đỡ. Người kê cái bàn, người phụ nấu nước, pha trà, tiếp khách... Khi đưa người quá cố ra nghĩa trang chôn cất thì hàng xóm sẽ cùng đi. Việc mang gạch, xúc cát, trộn hồ sẽ được giao cho thanh niên.  Trong lúc gia quyến đưa người thân đến nơi an nghỉ cuối cùng thì ở nhà, bàn ghế, nhà cửa đã được những người phụ nữ hàng xóm dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ. Làm một cách nhiệt tình nhưng không khi nào những người đến giúp ở lại ăn cơm cùng gia quyến. Người Phú Quý quan niệm giúp láng giềng hôm nay thì lần sau nhà mình có việc họ cũng sẽ giúp lại.

Những năm gần đây, du lịch ở Phú Quý bắt đầu phát triển. Lượng du khách đến Phú Quý ngày một tăng lên. Nhưng điều đó không làm giảm đi tinh thần tương thân tương ái của người dân huyện đảo. Họ vẫn giúp du khách một cách vô tư. Đến Phú Quý, không biết đường chỉ cần hỏi một người bất kỳ, du khách sẽ được chỉ tận tình. Nếu đang trên đường tham quan, không may xe máy của bạn bị hết xăng, thủng lốp thì chắc chắn sẽ có một người dân bản địa giúp bạn. Họ sẵn sàng chạy hàng km để mua xăng giúp hoặc đẩy xe của bạn tới chỗ sửa xe. Người Phú Quý là vậy…

Cùng nhau vượt qua những cơn bão, giúp nhau những lúc khó khăn khiến cho người Phú Quý tin tưởng nhau một cách tuyệt đối. Với người dân Phú Quý, con tàu khai thác hải sản là một tài sản lớn, là phương tiện giúp họ vươn lên làm giàu. Nhưng không phải ai cũng có vốn để đầu tư tàu, họ phải kêu gọi người quen hùn vốn. Nhưng cách người Phú Quý góp vốn cũng “không giống ai”. Chỉ cần một người đưa ra ý tưởng những người còn lại thấy hợp lý thì “gật đầu” và góp vốn. Không hợp đồng kinh tế, cũng chẳng có tờ giấy ghi số tiền từng người đóng góp. Nhưng cái “hợp đồng tín nhiệm” ấy lại giá trị hơn tất cả những văn bản giấy tờ khác, bởi nó được ký bằng trái tim. Cách góp vốn này đã đồng hành cùng dân Phú Quý suốt bao đời nay và cũng chưa từng có trường hợp nào bị bể hợp đồng hay bị giật số tiền đã góp vốn.

Người Phú Quý, khi thương thì thương đến “móc ruột móc gan” nhưng khi đã ghét thì ghét ra mặt. Ở Phú Quý, những người đã bị cộng đồng, xóm làng ghét thì chỉ có một đường duy nhất, bỏ xứ đi nơi khác sinh sống. Cái đặc thù rất riêng của người dân Phú Quý đã tạo ra cho chính quyền, đảng bộ nơi đây những thuận lợi và thách thức không nhỏ...

 Cái mới, đảng viên phải đi trước

Với nhiều người, đảng viên đang sinh hoạt ở chi bộ thôn, khu phố không thể hiện được nhiều vai trò của họ trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng ở Phú Quý, đảng viên dù có ở thôn, xã hay huyện thì đều có việc để làm, được phân công nhiệm vụ rõ ràng. Câu chuyện về chi bộ thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh là một ví dụ. Chi bộ thôn Mỹ Khê hiện có 30 đảng viên sinh hoạt tại chi bộ và 170 đảng viên sinh hoạt nơi cư trú. Mặc dù số lượng đảng viên khá đông nhưng mỗi người đều được phân công cụ thể với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Trước tình trạng người dân xả rác bừa bãi, khoảng 3 năm nay, đều đặn vào sáng thứ 7 hàng tuần, tất cả các đảng viên trong thôn sẽ tham gia dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, phát quang cây bụi. Trong quá trình dọn vệ sinh, nếu phát hiện hộ nào đổ nước ra đường, để vật liệu lấn chiếm lối đi thì sẽ nhắc nhở. Nếu hộ dân tiếp tục tái phạm thì những đảng viên được phân công phụ trách lĩnh vực đó tiếp tục gặp hộ dân để tuyên truyền. “Mưa dầm thấm lâu”, giờ thì tất cả các hộ dân ở thôn Mỹ Khê đều chấp hành tốt việc bỏ rác đúng nơi quy định. Tại tuyến đường Võ Văn Kiệt, các hộ dân còn tự mua thùng rác để phía trước nhà để người đi đường, khách du lịch có chỗ bỏ rác.

Năm 2018, chi bộ thôn Mỹ Khê là chi bộ đầu tiên ở huyện Phú Quý tổ chức phân công nhiệm vụ, chia tổ cho từng đảng viên đang sinh hoạt tại chi bộ. Hiện nay, 30 đảng viên được chia làm 4 tổ: Tổ vệ sinh, tổ an ninh trật tự, tổ thực hiện Chỉ thị 29 của Huyện ủy và tổ thực hiện các chỉ tiêu của xã, chi bộ. Từng tổ sẽ bầu ra người phụ trách. Hằng tháng tổ sẽ họp kiểm điểm nhiệm vụ đã làm được và chưa làm được. Nhiệm vụ của mỗi tổ được phân công rõ ràng, nhưng trong quá trình thực hiện, thành viên của tổ này sẽ được điều động để giúp tổ khác lúc cần thiết. Chẳng hạn như tổ thực hiện Chỉ thị 29 của Huyện ủy Phú Quý. Đây là chỉ thị về tăng cường lượng nước ngầm trên địa bàn huyện đảo. Tổ có nhiệm vụ theo dõi, thống kê những hộ gia đình chưa xây hố ga thẩm thấu, xây bể chứa nước mưa trên địa bàn thôn. Hàng năm, chi bộ thôn đều đưa ra chỉ tiêu xây hố ga, bể chứa nước mưa. Với những hộ có điều kiện thì chi bộ sẽ vận động người dân tự bỏ kinh phí  thực hiện. Còn với những hộ nghèo, hộ neo đơn, tổ sẽ đưa ra các cuộc họp chi bộ để tìm cách hỗ trợ người dân. Với kinh phí khoảng 3 triệu đồng/1 bể chứa nước mưa, các đảng viên sẽ thay nhau vận động. Có thể xin các mạnh thường quân hoặc vận động người dân trong thôn đóng góp... Tích tiểu thành đại, chỉ tính trong năm 2017, chi bộ thôn Mỹ Khê đã vận động xây được 20 bể chứa nước mưa cho người nghèo. Đến nay, thôn Mỹ Khê có khoảng 90% hộ dân có hố ga thẩm thấu và 70% hộ dân có bể chứa nước mưa.

Chi bộ thôn Mỹ Khê hiện có một thành viên tổ hòa giải lớn tuổi nhất huyện đảo, đó là ông Ngô Phển. Ông Ngô Phển năm nay đã hơn 70 tuổi, do mắt kém, đi lại khó khăn nên khoảng 1 năm nay ông đã được chi bộ thôn Mỹ Khê cho miễn sinh hoạt Đảng. Nhưng ông Phển là một trong những người có uy tín nhất thôn Mỹ Khê. Vì vậy, ông vẫn tham gia công tác hòa giải tại địa phương. Mỗi khi có hộ gia đình trong thôn bất hòa, ông Phển cùng cán bộ thôn sẽ gặp và nói chuyện. Là người gắn bó gần hết cuộc đời với huyện đảo, nên tính tình từng người trong thôn ông Phển đều hiểu rất rõ và tìm cách thuyết phục sao cho đạt kết quả cao nhất. Cũng nhờ đó mà từ trước đến nay, tất cả các buổi hòa giải ở thôn Mỹ Khê đều thành công…

Hiểu được tính cách người dân Phú Quý, vận dụng đúng chủ trương, chính sách của Đảng, từ năm 2016 đến nay, huyện Phú Quý là một trong số ít đảng bộ không có đơn tố cáo…

Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện ở đảng bộ không có đơn tố cáo