Theo dõi trên

Cổ thụ

19/06/2020, 08:17

BT- Đọc bài “Tiếng vọng sân trường” đăng trên Bình Thuận cuối tuần số 6561, nói về nét đẹp hoa phượng vĩ với tuổi học trò; có đề cập đến hiện tượng nhiều nơi đốn hạ hàng loạt cây phượng đang mùa hoa rực đẹp, một thầy phó hiệu trưởng tâm sự với tôi việc trồng và bảo vệ cây lâu năm.  

Không cảm tính

Thầy nói, có phụ huynh đặt vấn đề, sợ cây ngã làm nguy hại đến tính mạng học sinh là điều chính đáng, không có gì bàn cãi, nhưng như vậy là phải chặt đốn hết những cổ thụ trong sân trường hay sao? Tôi hỏi anh trả lời thế nào? Anh nói dừng rồi, phượng trong sân trường tôi đang dạy vẫn giữ nguyên, không đốn hạ. Rồi cười, nói rằng, phải trả lời theo luật thôi. Hiện tượng chặt đốn phượng vừa qua vấn đề tưởng nhỏ, nhưng thật ra không nhỏ chút nào. Trong quy hoạch trồng cây hay chặt hạ phải cần đến sự hợp tác của đơn vị bảo vệ cây xanh đô thị, trực tiếp từ cấp huyện, thành phố trực thuộc tỉnh. Nghị định “Về quản lý cây xanh đô thị”(*) quy định rõ ràng và rất nghiêm ngặt. Như Điều 2 của nghị định này, phần giải thích từ ngữ, mục 3 có ghi: Cây xanh sử dụng công cộng đô thị là các loại cây xanh được trồng trên đường phố (gồm cây bóng mát, cây trang trí, dây leo, cây mọc tự nhiên, thảm cỏ trồng trên hè phố, dải phân cách...); cây xanh trong công viên, vườn hoa; cây xanh và thảm cỏ tại quảng trường và các khu vực công cộng khác trong đô thị. Giới hạn hẹp hơn, ở mục 4 ghi: Cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị là cây xanh được trồng trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nghĩa trang, các công trình tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở và các công trình công cộng khác do các tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng. Còn mục 4 trong Điều 3, nêu những nguyên tắc quản lý cây xanh đô thị, ghi: Việc quản lý, phát triển cây xanh đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị, quy chuẩn kỹ thuật đồng thời góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Nghị định đưa ra các hành vi cấm, như:  Tự ý chặt hạ, dịch chuyển, chặt nhánh, tỉa cành, đào gốc, chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép (mục 3, Điều 7). Tiếp mục 4, cấm: Đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, lột vỏ thân cây; đổ rác, chất độc hại và vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; phóng uế, đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây. Đến mục 5, cấm: Treo, gắn biển quảng cáo, biển hiệu và các vật dụng khác trên cây; giăng dây, giăng đèn trang trí vào cây xanh khi chưa được phép. Anh nói với tôi, có lẽ trả lời với phụ huynh và học sinh một số nội dung như thế, chứ 25 Điều trong 5 Chương của nghị định quy định nhiều vấn đề rất cụ thể, đưa vào luật, buộc các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến quản lý cây xanh đô thị trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ theo quy định của nghị định này. Nên việc trồng hay chặt cây trong khu vườn trường cũng phải tuân thủ theo nghị định chứ không được tùy tiện. 

Đẹp thì gắng giữ

Anh kể, có một cụ ông trong làng gặp anh nói, cây nhiều nơi có khi nó trở thành biểu tượng, xưng danh cho một vùng địa lý, đặt tên cho cả thành phố - như khi nói thành phố hoa phượng đỏ, người ta biết ngay đó là thành phố Hải Phòng. Rồi ông nói tiếp nghe có vẻ rất duy tâm, cây nó cũng có hồn đấy, nhất là những cây cổ thụ. Cây me ở làng ông, nghe các cụ truyền lại, nó đã hơn 200 năm tuổi; hồi chiến tranh, có một quả pháo canh nông rơi xuống bên gốc nó bị “điếc”, rồi dạo xảy ra chiến trận, một quả bom ném xuống cách gốc me chừng 10 mét,  cũng “điếc” luôn, không nổ. Ông nói nhờ cây me có linh khí đã trấn giữ cuộc đất, nên dân làng lâu nay được yên bình, làm ăn khấm khá. Không biết chuyện ông kể thật đến đâu, nhưng tôi lại nghĩ đến những cây cổ thụ trong vườn sân trường tôi đang dạy - ngôi trường tôi học thời xưa. Ra trường, nhớ về trường cũ, ấn tượng đẹp đẽ nhất của tuổi thơ vẫn là những cây cổ thụ che mát sân trường trong những ngày nắng nóng. Đặc biệt là những gốc phượng già rực hoa mỗi độ chia tay. Gần như nó mang cả hồn vía của ngôi trường mỗi khi nhớ lại. Với anh, dấu ấn sâu sắc nhất là những cánh hoa phượng ép trong vở học trò tuyệt đẹp của cô ấy kèm những tình cảm tuổi thơ trong sáng nhẹ nhàng mà anh đã mang theo suốt cuộc đời này.

 Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cổ thụ