Theo dõi trên

Đa Mi có một vườn sinh thái độc đáo

25/02/2019, 14:22

BX- Đa Mi (Hàm Thuận Bắc) có rất nhiều vườn. Vườn trong thung lũng, trên đảo giữa hai lòng hồ Hàm Thuận và Đa Mi, trong khe núi, trên các triền đồi, dưới chân thác… Đa Mi có đến 500 ha vườn xen canh, gấp nhiều lần những nơi đất đai  màu mỡ ở miền xuôi. 

                
Vườn cây trĩu quả.

Vườn nhiều là do đất đai và thời tiết Đa Mi thích hợp nhiều loại cây ăn quả, có thể gối mùa, gối vụ quanh năm. Tháng giêng là cà phê, tháng hai tới tháng năm là mùa bơ, tháng sáu là măng cụt, cam, quýt đường, bưởi da xanh ruột hồng… kéo dài đến Tết Nguyên đán. Có thể nói, tháng nào nông dân Đa Mi cũng có cái để bán... Gần đây, hiểu được ưu điểm vùng đất, người Đa Mi hướng tới  hình thành vườn sinh thái kết hợp khai thác du lịch. Một trong những khu vườn được nhiều người biết đến là vườn của anh Nguyễn Văn Hưởng và chị Chu Thị Xuân Mai, thôn Đa Tro, giáp đất  huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng).

 Đất chẳng phụ người

Năm 1991, vợ chồng Hưởng - Mai, theo người chị vào Đa Mi làm ăn. Đất này khi ấy núi liền núi cùng với huyền thoại về con đường vận chuyển vũ khí của cách mạng trong những năm chiến tranh. Thời điểm đó,  mới chỉ có các nhà khoa học Việt Nam và Liên Xô (cũ) đến Đa Mi nghiên cứu làm thủy điện. Sản vật rừng vì vậy nhiều vô kể, mà song mây là ví dụ. Những dây song mây rừng dài  đến 30 - 40 m, to bằng cổ tay người lớn, được trả khá cao ở  những đơn vị làm hàng mỹ nghệ xuất khẩu. Người chị họ sau một thời gian kiếm được vài chục cây vàng, quyết định về xuôi, chỉ đôi vợ chồng trẻ ở lại. Lý do, số vốn họ tích cóp trong thời gian làm thuê chưa nhiều nhặn để làm nên “cơ đồ” ở phố phường.              

Thời gian đầu, họ tích cóp mua lại đất đồng bào dân tộc K’ho bỏ hoang để trồng cây màu kiếm cái ăn, mơ tưởng tới việc lập vườn, định cư nếu Đa Mi ngày  một có thêm người ở. Nhà của họ sau đó dựng lên ở ngã ba Đa Tro, cạnh khu đất rộng 8 ha,  có suối từ  thác 3 tầng chảy qua. Hưởng nói với vợ: “Đây là đất nhà mình, vườn nhà mình. Con cái mình sẽ lớn lên ở đây.  Anh tin một ngày nào đó chúng ta sẽ đổi vận”. Người vợ nhìn vào mắt chồng, nói như đêm đầu tiên họ thuộc về nhau: “Anh ở đâu, em ở đó.  Mình có công, rừng núi ông bà chẳng để thiệt đâu!”. Đêm đó cũng là một đêm mùa xuân. Không hiểu vì tiếng thác đổ, tiếng suối rầm rì chảy suốt đêm, hay vì một niềm tin vào một ngày mai tươi sáng mà vợ chồng cứ thao thức mãi…

 Vườn sinh thái độc đáo

“Cách đây hơn tuần, một cơ quan ở huyện lên đây. Họ dựng trại trong vườn, ca hát, ăn uống đúng một ngày. Hôm đó, măng cụt cũng vừa chín tới, bọn trẻ theo cha mẹ  được bữa trái cây ra trò khi tôi chỉ thu một ít tiền cho có lệ”, chị Mai, chủ khu vườn nói. Lúc này đây chúng tôi đang đi dọc khu vườn của vợ chồng.  Nói là đi dọc thực ra là đi nghiêng vì  giữa vườn là suối chảy, hai bên là triền cây ăn trái, trồng từ thấp lên cao. “Suối này dẫn lên thác 3 tầng trên kia. Lát nữa chúng ta lên thác. Còn bây giờ mời các anh ăn thử cam soàn nước Mỹ. Giống này ngọt thanh, hơi khó trồng”, chủ vườn hãnh diện nói.  Bên cạnh cam soàn, vườn còn có cam giấy, cam mật, quýt đường, bưởi da xanh ruột hồng,  là thứ trái ngon của đất Bến Tre trước đây. Vẫn chủ vườn nói: “Thay vì dùng thuốc, tôi dùng long não (bỏ trong chai lọ) treo trên cây và bọc trái lại, nên trái ít hư. Thời điểm này chúng tôi đã có bưởi da xanh bán lai rai... cho tới trước Tết Kỷ Hợi 5 ngày. Khi đó,  thương lái từ Phan Thiết lên, Lâm Đồng vô đông lắm. Trước tết hai ngày, nếu không còn người mua mà trái vẫn còn thì mình dành tặng cho bà con lối xóm”. Chậm rãi, chị Mai vừa đi vừa nâng các cành cam, quýt, bưởi đầy trái ở sát mặt đất cho tôi xem, đồng thời khẳng định: “Cây trong vườn chỉ bón phân hữu cơ nên không lo độc hại trong trái”. Có bao nhiêu cây trong vườn hả chị, tôi hỏi: “Tính luôn sườn bên trái con suối thì cả ngàn cây. Cây nhiều nên phải giao cho thằng con lớn một ít để nó chăm sóc, tập làm ăn, chứ tôi cả ngày bận buôn bán. Còn anh Hưởng cũng chỉ lo được phần nào thôi...”. Trong lúc nói chuyện, chúng tôi cứ thế đi dần lên thác, sau khi leo qua mấy bờ đá. Trên lối lên thác, có vài ngôi nhà cũ kỹ bằng gỗ nằm trên triền đồi. Chủ vườn nói trong tương lai gần, những ngôi nhà sẽ được sửa sang, cũng như dựng thêm ngôi nhà sàn to ngay chân thác để làm du lịch. Ý tưởng làm du lịch gần đây đến với chủ vườn một cách mãnh liệt khi  vài người từ Sài Gòn ra, nhờ dẫn đi xem vườn, rồi ngỏ ý mua trọn khu vườn 10 tỷ đồng… “Họ nói là thích cảnh trí yên lành, thoáng mát, nhưng khi nói chuyện riêng với nhau, họ bảo chỗ này xây được bao nhiêu căn nhà sàn, chỗ kia làm chiếc cầu… thì mình biết “tỏng” họ mua đất  để làm du lịch sinh thái”. Tôi tò mò: Chị định xây căn nhà to dùng vào việc gì?. “Để  khách chơi các trò tập thể. Còn nhà sàn nhỏ thì dành cho mấy cô mấy cậu cần tâm sự riêng. Phải biết đánh vào sở thích của  khách chứ anh. Ai ở đây một đêm thôi, cứ phải thao thức vì tiếng thác đổ… Khi ấy nhu cầu tâm sự lại nảy sinh… Cảnh vật ở đây hay lắm, còn hay thế nào tôi không tả được, chuyện đó dành cho các anh, những người làm nghề chữ nghĩa”, chủ vườn nói xong lại mỉm cười, một cử chỉ thể hiện niềm tin về những gì đã suy nghĩ chín chắn! Đúng lúc ấy, một người đàn ông tuổi ngoài 50, da đen sậm, từ chân thác đi ngược về phía chúng tôi. Chị Mai giới thiệu đó là anh Hưởng. Sáng nay anh Hưởng lên thác sớm, cũng với ý định tìm chọn những vị trí thích hợp để xây nhà sàn, vì mấy hôm trước, đoàn của huyện giục anh làm nhanh cái dự án vườn sinh thái. Huyện rất cần những  khu vườn sinh thái, những khu vui chơi đúng nghĩa để phát triển du lịch. Lúc nãy, anh được vợ báo tin: Có khách thăm vườn nên đã chờ ngay chân thác là thế.

... Có thể nói, một cách tình cờ, chúng tôi được trò chuyện với những nông dân lên Đa Mi đợt đầu. Những người ở lại rồi thành chủ của hàng chục ha đất màu mỡ, có giấy chứng nhận quyền sở hữu và đang nghĩ cách làm giàu trên đất.  Chủ vườn cho hay: Không lâu nữa, vườn sinh thái của họ sẽ mở  cửa. Ai ở Phan Thiết, Lâm Đồng... ham thích du lịch có thể đến thăm vườn. “Khi đó nếu đúng vào mùa trái cây chín rộ,  khách được ăn thoải mái (không được mang đi) sau khi bỏ ra một số tiền”, chủ vườn nói rồi lại cười...

Hà Thanh Tú



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đa Mi có một vườn sinh thái độc đáo