Theo dõi trên

Điểm tựa bản làng

26/02/2019, 15:53

 Già K’ Blàr hòa giải

BX- K’Bát mày phải về với vợ con mày, con vợ mày nó thương mày lắm!

Nó đẻ con cho mày, nó nấu cho mày ăn…

Tao vừa mới thấy nó trên rẫy cong lưng mà cuốc. Mày không kiếm được ai tốt như vợ mày đâu.

Mau về mà xin lỗi nó!

Từng lời nói của già làng K’Blàr đanh thép, lý lẽ vững vàng, cứ thôi thúc bên tai làm K’Bát chợt hiểu ra cái hạnh phúc gia đình nó quý giá biết chừng nào. Vậy mà bấy lâu hơi men làm cho K’Bát thành kẻ phàm phu, không ít lần “thượng cẳng tay hạ cẳng chân” với vợ, mỗi khi vợ chồng lời qua tiếng lại. K’Bát đã nhận ra cái sai, mắt sáng ra, đứng phắt lên cảm ơn già K’Blàr một tiếng rồi chạy mất hút. Chiều hôm ấy, nhà K’Bát, mâm cơm nóng hổi có đủ vợ chồng và các con quây quần sum họp. Đã 2 tháng rồi, K’Bát mới ăn được bữa cơm ngon như vậy kể từ ngày đánh vợ rồi bỏ nhà đi.

                
Già K’Blàr trao đổi về kinh nghiệm sản xuất    với thanh niên.

Người dân trong thôn kháo nhau nhà đôi vợ chồng trẻ đã có tiếng cười trở lại. Già K’Blàr trong dạ mừng thầm: “Mình nói trúng cái bụng, hai đứa nó đã suy nghĩ lại và quay về với nhau sống hòa thuận. Mình vui lắm!”. Đó là một trong những câu chuyện mâu thuẫn gia đình đồng bào K’ho ở xã Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc), mà già làng K’ Blàr hòa giải êm thắm. “Mâu thuẫn của người trong làng chủ yếu từ gia đình. Tùy trường hợp cụ thể mà mình sẽ có cách can thiệp, giải quyết, để sao cho cả hai bên đều ưng cái dạ, mát cái bụng”, già K’Blàr tâm sự.

Ở những vùng dân tộc thiểu số, già làng đều là người có uy tín, biết dùng sự nể trọng, kinh nghiệm, tình cảm để thuyết phục, phân tích phải trái, đúng sai cho dân làng nghe theo. Bao năm qua, già K’Blàr là người như thế, ông được ví như sợi dây hàn gắn những đổ vỡ gia đình cũng như thắt chặt sự hòa thuận, đoàn kết, chăm lo làm ăn trong cộng đồng người K’ho ở xã Đông Tiến… Ông không nhớ hết những lần hòa giải trong làng. Chỉ có điều vụ việc mà đến tay ông đều được giải quyết rốt ráo, kết quả êm thắm. Có vụ ông chỉ cần khuyên giải nhẹ nhàng chốc lát, nhưng cũng có vụ phải phân xử nhiều ngày mới xong. Từ con bò nhà này đi phá rẫy nhà người khác, vợ chồng lục đục đòi ly dị, người con cãi hỗn với cha mẹ… tất tần tật người trong làng đều muốn “mách” với ông. Lắm khi không phải vụ kiện, mà đơn giản ông là chỗ dựa tinh thần, nơi tin tưởng cho họ giãi bày và cho họ một lời khuyên xác đáng. Làm già làng, K’Blàr chẳng được gì, chẳng ai trả lương. Thỉnh thoảng chỉ mớ rau rừng, con gà, thúng trái cây… người trong làng ghé biếu. Nhưng đó chính là sự yêu quý, nể trọng mà họ dành cho ông.

 “Cây đa đầu suối”

Ngoài 65 tuổi, già K’Blàr thân hình rắn rỏi, dáng cao dong dỏng cùng nước da nâu óng. Lúc nào cũng vận chiếc quần ka ki, áo sơ mi chỉnh tề, giọng nói cứ sang sảng, khúc chiết trong suốt cuộc trò chuyện. Miệng nói, tay cầm cuốc phăng phăng từng nhát tháo nước rồi be bờ lên cao giữ nước cho chân ruộng…

Trong ký ức già K’Blàr còn nhớ rất rõ cái vất vả của dân làng trước đây. Đó là sự thiếu ăn, thiếu mặc; chưa kể năm nào nắng hạn còn đối mặt nạn đói giáp hạt phải nhận cứu trợ từ Nhà nước. “Dân làng mình cảm ơn sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước làm đường đi, xây trường học, trạm y tế, có nước mát lành để uống, có kênh mương đưa nước về trồng lúa nước, trồng đậu… Nhưng không vì vậy mà trông chờ Nhà nước, chăm làm mới no cái bụng”, già K’Blàr nói chắc nịch.

                
Dân làng Đông Tiến làm theo già K’Blàr    siêng làm và không ỷ lại Nhà nước.

Đồng tình với suy nghĩ của già K’Blàr, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Tiến K’Văn Góa thông tin thêm: Đông Tiến có hơn 90% dân số là đồng bào K’ho, toàn xã duy trì diện tích sản xuất hàng năm hơn 680 ha lúa, bắp, mía, đậu các loại. Đồng bào còn được hỗ trợ kiến thức nuôi gà, cải tạo đàn bò lai sind, giải quyết việc làm. Chưa kể sản xuất cũng được cơ giới hóa như có máy xới, máy cày làm đất, máy tuốt, máy gặt đập liên hợp”. Bây giờ Đông Tiến không còn hộ đói, là xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên của tỉnh từ nhiều năm nay đã tự túc được lương thực, không cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước.

Với bản tính cần cù, chịu khó, một tay già K’Blàr biến những rẫy đất trước đây đầy cỏ dại thành rẫy bắp, ruộng lúa tốt tươi và nuôi dạy 4 đứa con nên người. Các con già K’Blàr, đứa nào nhà cũng có rẫy trồng hoa màu... và có của ăn của để. Còn nhớ, trước đây cán bộ khuyến nông trên tỉnh cho biết: Bà con muốn thoát nghèo chỉ có cách trồng lúa nước. Nghe cán bộ nói xong, bà con chưa tin, già K’Blàr xung phong làm trước. Ðược hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống, già K’Blàr sạ thử hai 2 sào, 3 tháng sau, gia đình già thu hoạch hơn 10 tạ lúa, tăng gấp nhiều lần so lúa rẫy. Thế là bà con tin, đến nay cả xã có 50 ha trồng lúa nước. Ðể thay đổi tập quán của đồng bào ưa thả rông gia súc, già K’Blar phải mất mấy tháng liền kiên trì vận động, bà con nghe ra đã làm chuồng trại nhốt vật nuôi…

Có thể nói, già K’Blàr là điểm tựa bản làng của xã Đông Tiến, tháng 9 vừa rồi ông được chọn đại diện đồng bào dân tộc trong tỉnh tham gia Chương trình điểm tựa bản làng ở Trung ương.

Thanh Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điểm tựa bản làng