Theo dõi trên

Giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

17/10/2019, 14:49 - Lượt đọc: 86

BT- Như chúng ta đã biết, tỉnh Bình Thuận có 34 dân tộc thiểu số, chiếm 8% dân số của tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số cư trú rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh với hình thức cư trú phổ biến là sống xen kẽ, trong đó các dân tộc Raglai, K’ho, Chơ Ro sinh sống tập trung ở 11 xã và 20 thôn xen ghép. Dân tộc Chăm cư ngụ tập trung ở 4 xã gồm: Phan Thanh, Phan Hiệp, Phan Hòa, huyện Bắc Bình và xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong. Ngoài ra, còn có 9 thôn xen ghép ở ven các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ gồm dân tộc Tày, Nùng, Hoa…

Phải khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng bộ tỉnh, đồng bào các dân tộc thiểu số cùng với nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu khắc phục khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, tạo chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội của tỉnh. Đặc biệt là những năm gần đây, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các lĩnh vực an sinh xã hội ngày càng lớn, được tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội khác. Do vậy, các lĩnh vực xã hội đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là giảm nghèo, tạo việc làm, giáo dục - đào tạo, y tế, trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ðời sống vật chất và tinh thần của người nghèo đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân và sự ổn định chính trị - xã hội.

Từ nguồn ngân sách hỗ trợ củanhà nước, thông qua các chính sách, chương trình dự án giảm nghèo còn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc chuyển đổi tập quán canh tác, phương thức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy tiềm năng lợi thế của vùng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Qua đó, số hộ khá giả tăng lên, nhiều hộ nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Chỉ trong 2 năm 2014 – 2015, số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giảm 668 hộ, tương ứng 4,35%. Trong giai đoạn 2016 - 2018 số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm sâu hơn, với 1.923 hộ, tương ứng 9,94%. Theo đó, bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được tăng dần theo từng năm. Để giảm nghèo bền vững, trong những năm qua, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn được Đảng,nhà nước quan tâm chăm lo đời sống bằng nhiều chính sách thiết thực hiệu quả. Các chính sách tín dụng ưu đãi trực tiếp cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời thông quangân hàngchính sách xã hội tỉnh gồm 14 chương trình tín dụng với mức lãi suất thấp. Trong giai đoạn 2014 – 2019, đã giải quyết cho 21.168 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vùng khó khăn để các hộ dân được tiếp cận tín dụng chính sách với 438.188 triệu đồng. Xây dựng 805 căn nhà ở hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số với kinh phí 22.497 triệu đồng, hỗ trợ tiền điện cho 68.902 lượt hộ nghèo với kinh phí 12.069 triệu đồng. Bên cạnh đó, bằng nguồn vốn từ chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng các xã, thôn đặc biệt khó khăn được 89 lớp/4.257 lượt người tham dự…

Kết quả giảm nghèo tích cực đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Tuy nhiên để giảm nghèo bền vững trong thời gian tới vẫn là thách thức lớn đòi hỏi phải phát huy tối đa nội lực, biến lợi thế, tiềm năng thành nguồn lực quan trọng để tự lực vươn lên, phát triển và hội nhập. Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện có hiệu quả các chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để đạt được mục tiêu trên trước hết phải tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, từ ngân sách địa phương và nguồn vốn huy động từ xã hội. Gắn kết phát triển kinh tế giữa các địa phương, tập trung khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển cây trồng và con nuôi lợi thế của từng vùng gắn với ngành nghề, dịch vụ, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời tăng cường thu hút đầu tư để phát triển các sản phẩm lợi thế của vùng, không ngừng cải thiện đời sống cho đồng bào. Củng cố mối quan hệ gắn bó giữa hệ thống chính trị với nhân dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền và thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc…

THANH QUANG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số