Theo dõi trên

Hành động để du lịch phát triển xứng tầm

02/05/2017, 09:06

BT- Trong tháng 4/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên tiếp tổ chức hai Hội nghị quán triệt Nghị quyết về phát triển du lịch đến lãnh đạo các sở ngành, địa phương, đoàn thể chính trị - xã hội và doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng đã trực tiếp truyền đạt khá chi tiết, đầy đủ nội dung Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy Bình Thuận về phát triển du lịch đến năm 2020.

                
      
Bình Thuận tiếp tục nỗ lực thu hút khách    quốc tế bằng các sản phẩm du lịch, dịch vụ đặc trưng.

Dù đạt những thành tựu đáng ghi nhận, song ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Bình Thuận nói riêng hiện vẫn còn không ít hạn chế, nhất là phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị đã chỉ ra nguyên nhân chủ yếu do các cấp ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập kinh tế cao, mang nội dung văn hóa sâu sắc… Đối với Nghị quyết số 09 của Tỉnh ủy thì thẳng thắn nhìn nhận du lịch địa phương phát triển chưa mạnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của Bình Thuận, thu hút lượng khách quốc tế còn thấp…

Theo dự báo trong thời gian tới, du lịch dần trở thành ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, riêng khu vực Đông Nam Á sẽ trở thành khu vực thu hút du khách quốc tế lớn thứ 4 thế giới với gần 190 triệu lượt vào năm 2030. Chính vì vậy, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước (nhưng không nhất thiết địa phương nào cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn)… Riêng với tỉnh ta là địa bàn có nhiều tiềm năng, lợi thế nên Nghị quyết của Tỉnh ủy đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, du lịch Bình Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại. Cụ thể trong vài năm tới, ngành du lịch địa phương sẽ nỗ lực cán mốc chỉ tiêu đón 7.000.000 lượt khách (khách quốc tế có khoảng 850.000 lượt), duy trì mức tăng trưởng bình quân khách nội địa từ 10 - 12%/năm và khách quốc tế từ 12 - 14%/năm.

Hướng đến mục tiêu trên, Nghị quyết của Tỉnh ủy đã đề ra nhiệm vụ và một số giải pháp cần tập trung thực hiện nhằm đưa ngành “công nghiệp không khói” phát triển xứng tầm. Trước hết là phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để tất cả mọi người nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của ngành và xem phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng, qua đó huy động mọi nguồn lực thực hiện với quyết tâm, trách nhiệm cao nhất… Sau khi Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 09 về phát triển du lịch đến năm 2020, vừa qua UBND tỉnh cũng ban hành kế hoạch thực hiện và giao các đơn vị liên quan thể hiện hành động cụ thể. Như Sở VH, TT & DL sẽ lập hồ sơ, tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ VH, TT & DL trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Khu du lịch quốc gia Mũi Né - Phan Thiết, công nhận Điểm du lịch quốc gia Phú Quý, đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ công nhận Đô thị du lịch Phan Thiết khi hội đủ điều kiện. Song song đó còn tập trung triển khai thực hiện Đề án xây dựng Bình Thuận thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia đã được đề cập trong nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2020.

Cùng tham gia hành động, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tích cực giải quyết các vướng mắc, giúp chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công cũng như sớm đưa những dự án đầu tư trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ đi vào hoạt động. Đối với Sở Giao thông và Vận tải thì triển khai thủ tục cần thiết, tạo điều kiện nâng cấp đường ĐT719 (đoạn từ Hàm Thuận Nam đến cầu Đá Dựng, thị xã La Gi), nâng cấp quốc lộ 28B, hoàn thành nâng cấp quốc lộ 55 và 55 B. Ngoài ra còn tiến hành khảo sát nhu cầu, mở thêm tuyến xe buýt ở các huyện Bắc Bình, Tuy Phong, Đức Linh, Tánh Linh và hoàn thiện một số bến bãi, điểm đỗ xe du lịch… Trong khi đó, vấn đề liên kết vùng, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, xúc tiến quảng bá thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực… đều được địa phương đề ra giải pháp thực hiện. Đó là tiếp tục liên kết phát triển sản phẩm “Chợ Sài Gòn - Hoa Đà Lạt - Biển Mũi Né” theo chương trình hợp tác tam giác du lịch TP. Hồ Chí Minh - Bình Thuận - Lâm Đồng, thực hiện có hiệu quả Đề án “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn Bình Thuận. Hay như chú trọng giới thiệu hình ảnh du lịch Bình Thuận trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trong lẫn ngoài nước và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm du lịch đến những thị trường mục tiêu…

Mới đây trong chuyến thăm, làm việc tại Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các bộ, ngành liên quan sớm triển khai dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Sân bay Phan Thiết trong năm nay. Đó cũng là cơ sở để địa phương quyết tâm hành động, tận dụng thời cơ đưa du lịch Bình Thuận phát triển xứng tầm, góp phần cùng du lịch cả nước tạo ra bước đột phá mới. Trước mắt đến năm 2020, du lịch Việt Nam phấn đấu thu hút 17 - 20 triệu lượt khách quốc tế, 82 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD và từng bước gia nhập nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Đ.QUỐC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hành động để du lịch phát triển xứng tầm