Theo dõi trên

Kỳ thi tuyển công chức nhà nước năm 2017: “Thí sinh không thể “lo lót” để được trúng tuyển”

25/05/2017, 08:53

Xin ông cho biết, kỳ thi tuyển công chức nhà nước năm 2017 có gì mới so với kỳ thi trước?

BT- Ông Nguyễn Ngọc Chỉnh: Trong kỳ thi công chức năm 2017 có 1.039 thí sinh dự thi tuyển cạnh tranh để chọn lấy 191 chỉ tiêu. Điểm mới của kỳ thi lần này là thi tuyển cạnh tranh theo từng vị trí việc làm, thí sinh phải trải qua 2 vòng thi với 4 môn thi và 5 bài thi, theo đó 4/5 bài thi thí sinh làm bài trên máy vi tính, gồm môn tiếng Anh, tin học, kiến thức chung và phần trắc nghiệm nghiệp vụ chuyên ngành; môn thi nghiệp vụ chuyên ngành gắn với vị trí việc làm thí sinh thi theo hình thức tự luận trên giấy. Đối với hình thức thi trắc nghiệm, sau khi thi xong thí sinh sẽ biết ngay kết quả làm bài. Ở vòng 1, thí sinh dự thi 2 môn điều kiện tiếng Anh và tin học (trừ những trường hợp được miễn thi theo quy định), những thí sinh đạt 50 điểm/mỗi môn thi (theo thang điểm 100) mới được dự thi vòng 2. Tại vòng 2, thí sinh dự thi môn kiến thức chung và môn nghiệp vụ chuyên ngành theo từng vị trí việc làm. Đề thi môn tiếng Anh, tin học và kiến thức chung được sử dụng trong ngân hàng đề thi của tỉnh, do Trường Đại học Nội vụ Hà Nội xây dựng và đã được UBND tỉnh phê duyệt; môn nghiệp vụ chuyên ngành do 18 cơ quan, đơn vị của tỉnh tham gia xây dựng đề theo từng vị trí việc làm. Các đề thi được bảo mật theo chế độ tuyệt mật.

Thưa ông, đến thời điểm này công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tuyển công chức được triển khai thực hiện như thế nào?

 Để triển khai kỳ thi này, Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuẩn bị rất công phu; từ các khâu xác định vị trí việc làm, tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển, thời gian sơ tuyển đều được công khai đảm bảo đủ thời gian theo quy định; các cơ quan, đơn vị đã tạo điều kiện tốt nhất để thí sinh nộp hồ sơ. Thường trực Hội đồng tuyển dụng (Sở Nội vụ) đã  phối hợp với Trường Đại học Nội vụ Hà Nội để ôn tập môn tiếng Anh và tin học cho các thí sinh vào ngày 13/5/2017 và ngày 14/5/2017 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Đồng thời, gửi phiếu thí sinh, thông báo thời gian thi lượt 1 vào ngày 29 và 30/5/2017 tại Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo và Trường Cao đẳng Cộng đồng (cơ sở 3). Đến thời điểm hiện nay, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, chờ đến ngày thi tuyển vòng 1. Sau khi thi xong vòng 1, Hội đồng tuyển dụng sẽ tổng hợp và thông báo danh sách thí sinh đủ điều kiện thi lượt 2. Dự kiến thi lượt 2 vào đầu tháng 7/2017. 

Ông có thể nêu cụ thể kết quả thi được tính như thế nào?

Bài thi được chấm theo thang điểm 100; điểm xét tuyển là điểm thi môn kiến thức chung và nghiệp vụ chuyên ngành; điểm môn kiến thức chung tính hệ số 1, điểm môn nghiệp vụ chuyên ngành: bài thi viết tính hệ số 2 và bài thi trắc nghiệm tính hệ số 1 (điểm môn ngoại ngữ và tin học tính hệ số 1 và không tính vào tổng số điểm thi). Kết quả thi tuyển là tổng số điểm của các bài thi môn kiến thức chung và môn nghiệp vụ chuyên ngành (gồm phần thi viết và trắc nghiệm) cộng với điểm ưu tiên theo quy định (nếu có). Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức phải có đủ các bài thi của các môn thi (trừ trường hợp miễn thi), có điểm của mỗi bài dự thi đạt từ 50 điểm trở lên, có kết quả thi tuyển cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu tuyển dụng của từng vị trí việc làm.  

Hiện nay, có dư luận cho rằng, chỉ tiêu tuyển dụng ít nhưng số lượng thí sinh dự thi cạnh tranh nhiều nên có thí sinh sẽ “lo lót” để được trúng tuyển trong kỳ tuyển dụng công chức năm 2017. Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng, ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Trong kỳ thi tuyển năm 2017 này, thí sinh sẽ thi 4/5 bài trên máy vi tính. Đề thi được bảo mật theo chế độ tuyệt mật, có quy định người chịu trách nhiệm cụ thể, rõ ràng nếu để đề thi lộ, lọt. Giám thị coi thi được chọn từ nhiều trường khác nhau. Trước mỗi buổi thi, có sự hỗ trợ của phần mềm vi tính, giám thị coi thi sẽ được chọn ngẫu nhiên để phân công coi thi tại các phòng thi. Đối với bài thi trên máy vi tính, mỗi thí sinh sẽ nhận được đề thi do máy vi tính trộn và cung cấp. Những thí sinh ngồi cạnh nhau sẽ nhận được các mã đề thi khác nhau, thời gian được tính vừa đủ để thí sinh suy nghĩ và làm bài nên sẽ khó có thể trao đổi trong khi làm bài thi; đồng thời, thí sinh sẽ được biết kết quả thi ngay sau khi thời gian làm bài thi kết thúc. Đối với các bài thi trên giấy, mỗi bài thi sẽ do hai giám khảo chấm độc lập. Trường hợp kết quả chấm lần đầu và kết quả chấm phúc khảo có thay đổi điểm từ trên 10% tổng số điểm thi hoặc thay đổi kết quả từ đạt thành hỏng; từ trúng tuyển thành không trúng tuyển hoặc ngược lại thì Hội đồng tuyển dụng sẽ tổ chức đối thoại giữa giám khảo chấm lần đầu và giám khảo chấm phúc khảo để xác định kết quả chính thức. Những giám khảo chấm chênh lệch điểm, ảnh hưởng đến kết quả cạnh tranh thì sẽ bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định. Quy trình thực hiện từng khâu đều có ký biên bản xác nhận và có sự giám sát của đại diện Công an tỉnh và Ban Giám sát do UBND tỉnh thành lập. Do đó, tôi khẳng định, thí sinh không thể “lo lót” để được trúng tuyển như phóng viên đặt vấn đề.

Xin cảm ơn ông!

         
      Đề thi    được bảo mật theo chế độ tuyệt mật, có quy định người chịu trách    nhiệm cụ thể, rõ ràng nếu để đề thi lộ, lọt. Giám thị coi thi được    chọn từ nhiều trường khác nhau. Trước mỗi buổi thi, có sự hỗ trợ của    phần mềm vi tính, giám thị coi thi sẽ được chọn ngẫu nhiên để phân    công coi thi tại các phòng thi.

  Thanh Thủy (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ thi tuyển công chức nhà nước năm 2017: “Thí sinh không thể “lo lót” để được trúng tuyển”