Theo dõi trên

Làng mai… năm nhuận

25/01/2018, 08:30

BT- Cách đây 4 năm, cũng là năm nhuận, người trồng mai Đại Lộc đã trải qua một cái tết buồn. Khi mà cây mai đồng loạt nở trước tết. “Năm đó, những cây mai khách mua trước không nói. Chứ những cây mai còn lại phải giảm giá cho khách cả triệu đồng. Nhưng dù sao cũng đỡ hơn năm nay”, ông Minh nhìn xa xăm, nơi những cây mai có lá đã ngả màu vàng.

                
Làng Đại Lộc năm nay mất mùa mai tết.

Xơ xác mai vàng

Tôi về thôn Đại Lộc, xã Hàm Hiệp (Hàm Thuận Bắc) khi tiết trời chuyển sang se lạnh. Hai bên đường, một vài hộ trồng thanh long đang cắt trái bán cho thương lái. Có thanh long bán nhưng vẻ mặt của chủ vườn không mấy vui vẻ. Thanh long mùa chong đèn mà giá 10.000 đồng/kg thì coi như huề vốn. Thấp thoáng sau những vườn thanh long xuất hiện những lá xanh nâu chen lẫn màu vàng của bông mai. 

Thật lạ, mới mùng 2 tháng chạp mà người dân đã lặt lá mai quá nửa số cây trong vườn. “Sao lại lặt lá mai giờ này, hay có người thù ghét phun thuốc rụng lá”, một ý nghĩ bất chợt xuất hiện. Đi xuống cuối vườn, dáng một người phụ nữ ngoài 70 tuổi đang đứng lặt lá mai mà mặt buồn rười rượi. “Sao bà lặt lá sớm vậy”, tôi hỏi. “Mưa nhiều vào cuối năm, mai nở hết. Có để thì cũng chẳng được bao nhiêu bông. Lặt sớm cho cây ra lá non, hồi sức chờ năm sau”. Hỏi chuyện mới biết đó là bà Bảy, một trong những hộ trồng mai lâu năm ở Hàm Hiệp. Biết bà đang buồn chuyện mất mùa mai nên tôi không hỏi nhiều. Trong khu vườn khoảng 300 gốc mai, chỉ còn khoảng 10 cây còn lá, có lẽ đây là những cây còn có thể ra hoa bà Bảy để lại bán kiếm tiền sắm tết.

Rời nhà bà Bảy, tôi đến nhà ông Nguyễn Minh, một trong những hộ đầu tiên trồng mai ở Đại Lộc. Những năm 1976 - 1977, ông Minh đã trồng mai. Hơn 40 năm trong nghề, vườn mai ông Minh là một trong những vườn nổi tiếng nhất xã Hàm Hiệp. Cách đây 3 năm, tôi cũng đến nhà ông Minh để tìm hiểu về thị trường mai tết. Lúc đó ông khoe mình vừa bán được cặp mai với giá gần 30 triệu đồng cho một doanh nghiệp xây dựng lớn nhất nhì tỉnh. Tôi vừa vào tới cổng, con chó vàng chạy ra sủa vang trời. Ông Minh ngồi trước hiên, mắt nhìn xa xăm. Tôi hơi bất ngờ, bởi lần trước, ông Minh rất vui vẻ ra tận cổng đuổi con vàng, đón khách. Một lát sau, con gái của ông Minh từ nhà sau chạy ra đuổi con vàng. “Ông khỏe không”, tôi bắt lời trước. “Cháu đến mua mai hả? Năm nay mai ít lắm”, ông Minh nói với giọng nho nhỏ. Khi nghe tôi nói muốn tìm hiểu về mai tết thì ông nói thẳng: “Mất mùa rồi con, tháng 7 nở hết một lần. Cuối năm gặp sương muối thì mai nào còn ra bông”, nói rồi ông Minh dẫn tôi ra xem vườn mai.

Ngay trước hiên, cây mai cao độ hơn 2m, tán rộng hơn 1m nhưng tuyệt nhiên không thấy một cái nụ nào. “Biết trước là năm nhuận, đã điều chỉnh chế độ chăm sóc nhưng cũng không tránh khỏi trời”, ông Minh chia sẻ. “Ngay từ đầu năm tôi đã điều tiết chế độ bón phân, tưới nước cho mai. Nhưng tháng 7 âm lịch mưa nhiều quá nên mai trong vườn nở trên 80%. Những tháng sau đó, mưa liên tiếp, mai bị ngập nước liên tục, bộ rễ không phát triển được nên cây bị kiệt sức. Vất vả lắm mới thúc cho cây mai hồi sức. Nhưng cuối năm gặp cơn bão số 15”, ông Minh vừa nói vừa lặt lá mai. Cơn bão số 15 cách đây một tháng tuy không đổ bộ vào Bình Thuận nhưng kéo theo một đợt sương muối đổ xuống làng mai Đại Lộc, khiến cây mai đang nứt nụ bị chết héo. “Con nhìn mấy cái nụ này đi, nếu không bị sương muối thì giờ này nó to cỡ gần bằng đầu đũa. Giờ thế này”, ông Minh chỉ vào cành mai. Trên cành mai đó, có một vài nụ hoa nhỏ cỡ cái tăm và ít mầm lá, nhưng tất cả đã cháy khô, đen xì. “Năm nay coi như mất trắng, cả vườn mai hơn 400 gốc chắc chỉ được khoảng hơn 70 gốc ra bông nhưng chắc cũng không đẹp bằng năm ngoái. Cả làng năm nay mất mùa, may ra còn ông Sáu Tránh có mai bán tết”, ông Minh buồn bã cho biết.

Cách đây 4 năm, cũng là năm nhuận, người trồng mai Đại Lộc đã trải qua một cái tết buồn. Tỷ lệ mai cho bông vẫn trên 80%, nhưng bị kìm hãm 1 tháng, sau khi lặt lá, cho nước, mai đồng loạt nở trước tết 5 ngày. “Năm đó, những cây mai khách mua trước không nói. Chứ những cây mai còn lại phải giảm giá cho khách cả triệu đồng. Nhưng dù sao cũng đỡ hơn năm nay”, ông Minh nhìn xa xăm, nơi những cây mai lá đã ngả màu vàng.

 Phập phồng chờ tết

Đi theo sự chỉ dẫn của ông Minh, tôi đến nhà ông Sáu Tránh ở Bàu Sẻ, thôn Đại Lộc. Trái ngược với sự buồn bã của bà Bảy, ông Minh thì ông Sáu Tránh cười tươi khi có người đến. Nhìn vườn mai thì đủ biết vì sao ông Sáu vui. Trên khoảng đất rộng gần 1.000 m2, chỗ nào cũng có mai và cây mai nào cũng đầy nụ loại to bằng nửa đầu đũa. “Bán được hơn 10 cây rồi cháu. Cây cao nhất 10 triệu đồng, cây loại vừa cũng 3, 4 triệu đồng”, ông Sáu Tránh nói. Đến nay ông đã có kinh nghiệm hơn 30 năm trồng mai. Ông Tránh trồng mai theo kinh nghiệm riêng không học hỏi của ai. “Năm nhuận là năm khó chăm mai nhất. Ngoài việc có thêm 1 tháng thì năm nhuận thời tiết diễn ra thất thường. Vì vậy việc chăm mai cũng phải khác. Từ việc bón phân, cắt cành, tỉa nhánh đến việc tưới nước cũng phải điều tiết cho phù hợp. Kinh nghiệm là vậy nhưng gặp thời tiết bất thường cũng thua. Đợt sương muối vừa qua, vườn mai của nhà cũng bị nhưng may mắn là nhẹ, không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây”, ông chia sẻ.

Với ông Sáu Tránh, việc bón phân cho mai rất quan trọng. Phân phải là phân bò được ủ hoai kèm với các loại chế phẩm sinh học tiêu diệt mầm bệnh. Còn thời điểm bón phân là từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm. Cùng với đó là hệ thống thoát nước cho mai. Ở giữa mỗi hàng mai phải làm một cái rãnh gom nước dẫn ra hệ thống thoát. Vì cây mai mà dư nước thì bộ rễ sẽ bị thối, ảnh hưởng đến số lượng và độ to của bông. Còn việc bón phân như thế nào, độ sâu của rãnh gom nước bao nhiêu thì ông Sáu Tránh từ chối trả lời vì là “bí quyết nghề”. Dẫn tôi đi dạo quanh vườn, ông Sáu Tránh chỉ vào từng gốc mai đã có người đặt mua. Có cây người mua sẽ đến lấy vào 17 âm lịch nhưng cũng có cây đến ngày 22 họ mới tới chở đi. Khi nhà ông Sáu Tránh có thêm vài người nữa tới xem mai, tôi xin phép ra về. Nhưng trong câu nói của ông Sáu vẫn chưa hết lo: “Như thế này vẫn chưa chắc đâu, trời mà mưa một trận là toi vườn mai”…

Thế mới biết, nghề nào cũng có cái khó riêng. Với nghề cây cảnh lại càng khó hơn vì phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết. Làng mai của thôn Đại Lộc, xã Hàm Hiệp vốn nổi tiếng cả tỉnh về nghề trồng mai. Giống mai được trồng chủ yếu ở Đại Lộc là mai Phú Hội, loại mai nổi tiếng bởi bông to, hương thơm nồng nàn. Hàng năm, làng mai ở đây là địa chỉ tin cậy của những đại gia chuyên săn mai khủng chưng tết. Những cây mai có giá từ 10 đến 20 triệu đồng ở Đại Lộc không phải là hiếm. Thời cực thịnh của làng mai là những năm 2000. Lúc đó có đến gần 100 hộ trồng mai. Cây mai đã giúp không ít người dân vùng này xây dựng cơ nghiệp. Nhưng nay, trước lợi nhuận từ cây thanh long, nhiều người đã bỏ nghề. Hơn 20 hộ trồng mai ở Đại Lộc hiện nay còn bám trụ với nghề, phần lớn là yêu mai và trả nợ ân tình với loài cây đã giúp mình vượt qua thời kỳ khốn khó.

Ghi chép: Nguyễn Luân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làng mai… năm nhuận