Theo dõi trên

Nghiên cứu xâm nhập mặn cửa sông Lũy

12/12/2017, 09:58

BT- Nhiều năm qua, tình hình hạn hán và mưa lũ diễn biến phức tạp khiến tình trạng xói lở, xâm nhập mặn nên sông Lũy có sự thay đổi thất thường. Suy giảm dòng chảy từ 20 đến 70% (đỉnh điểm đầu năm 2016); cát bồi lấp cửa sông Lũy khiến cao độ lòng sông thấp (chỉ khoảng 1,5 - 3m) khiến tàu thuyền khó ra vào; khu vực ven bờ biển bị xói lở khoảng 20m mỗi năm…

                
Cửa sông Lũy đổ ra biển tại thị trấn Phan    Rí Cửa.

Nghiên cứu về xói lở bờ biển, bồi lắng cửa sông, xâm nhập mặn khu vực cửa sông Lũy là một trong những hoạt động trọng tâm của Dự án quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại tỉnh Bình Thuận, do Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ. Mục tiêu chính của nghiên cứu là điều tra, phân tích, đánh giá tình hình xâm nhập mặn, bồi lắng và xói lở khu vực cửa sông Lũy trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, từ đó đưa ra phương hướng phát triển cho các thị trấn trong lưu vực như Phan Rí Cửa, Chợ Lầu, Lương Sơn có tính đến khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trước tiên là việc xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm lưu vực sông Lũy bao gồm việc lắp đặt các cảm biến đo mực nước tự động và xây dựng hệ cơ sở dữ liệu GIS toàn diện phục vụ quản lý tổng hợp tài nguyên nước.

Sử dụng cơ sở dữ liệu GIS là một xu thế hiện nay trong việc quản lý tổng hợp đa ngành và đa lĩnh vực. Đây chính là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng cho hệ thống cảnh báo sớm trong việc dự báo hạn hán và xâm nhập mặn, là cơ sở để dự báo mặn lũ, dự báo ngập lụt hạ du, hỗ trợ điều hành hồ chứa theo thời gian thực tại các hồ chứa trên lưu vực sông Lũy (do sự xen kẽ giữa các pha lũ và hạn hán, đồng thời dẫn đến ngập lụt và nhiễm mặn vùng hạ du sông Lũy).

Sau 5 tháng triển khai, Viện Thủy lợi và Môi trường (thuộc Đại học Thủy lợi) đã hoàn thành điều tra, thu thập dữ liệu, khảo sát bổ sung phục vụ việc phân tích, đánh giá hiện trạng bồi lấp, xâm nhập mặn tại khu vực hạ du và cửa sông Lũy. Qua đó xây dựng các mô hình thủy động lực để mô phỏng hiện tượng bồi lấp, xâm nhập mặn ở khu vực cửa sông Lũy, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến các hiện tượng này.

Tác động lớn nhất của hiện tượng xâm nhập mặn là ảnh hưởng đến đời sống người dân trong sản xuất nông nghiệp (vốn là nguồn thu chính của người dân ven sông Lũy) và cả trong sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, trong thời gian tới, việc nghiên cứu tác động của xâm nhập mặn vùng hạ lưu sông Lũy sẽ tiếp tục với việc xây dựng các bản đồ xâm nhập mặn và bản đánh giá mức độ ảnh hưởng của hiện tượng nhiễm mặn trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nguồn nước dưới đất cũng như nguồn nước cung cấp sinh hoạt. Đồng thời các đơn vị tư vấn cũng sẽ thiết lập sổ tay vận hành trong việc đề xuất các giải pháp công trình và phi công trình để thích ứng với hiện tượng xâm nhập mặn trong hiện tại và dự báo đến năm 2025 nhằm đưa ra những giải pháp tối ưu nhất.

Đình Hậu



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghiên cứu xâm nhập mặn cửa sông Lũy