Theo dõi trên

Phản hồi bài báo “Đường đi trên ngọn cây”

22/01/2017, 10:41

BTO - Sau khi bài “Đường đi trên ngọn cây” đăng trên báo Bình Thuận, các cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương đã vào cuộc kiểm tra, xác minh  theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh. Sau kiểm tra, ông Nguyễn Tấn Lê, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận cho biết cụ thể về vụ việc như sau:

Cáp treo vượt sông Phan có chiều dài khoảng 25 mét. Mục đích sử dụng là để vận chuyển nông sản qua sông vào mùa mưa của 3 hộ dân, còn vào mùa khô đoạn sông này hầu như không có nước, người dân qua lại dễ dàng. Hệ thống cáp treo được làm bằng dây cáp thép, trụ neo bằng gỗ, móng bê tông, khung sắt vận chuyển được hàn từ thép hình đã rỉ sét.

Cáp treo thuộc quyền sở hữu của hộ ông Nguyễn Khánh, thường trú tại thôn Lập Đức, xã Tân Lập, được xây dựng từ năm 2006, có trụ phía bên bờ Bắc (hướng Quốc lộ 1) nằm trên đất của ông Ngô Đức Thịnh, thường trú tại thôn Lập Phước, xã Tân Lập; trụ phía bên bờ còn lại nằm trên đất của ông Tôn Thất Hậu, thường trú tại thôn Lập Phước, xã Tân Lập; hai đầu trụ neo không có đường dẫn vào. 

Hiện nay chỉ có 3 hộ sử dụng cáp treo vào mục đích chính là vận chuyển thanh long từ bờ bên này qua bờ bên kia vào mùa mưa lũ do các hộ dân có đất trồng thanh long gần bờ rìa của khúc sông này (hộ ông Nguyễn Khánh khoảng 1ha, hộ ông Ngô Đức Thịnh khoảng 0,6ha, hộ bà Nguyễn Thị Hồng Nhung khoảng 1ha).

Vị trí cáp treo không nằm trên tuyến độc đạo để vượt sông. Vào mùa mưa người dân có thể đi vòng tránh qua khúc sông này bằng cách đi qua tràn Như Ý, chiều dài đường vòng tránh khoảng 1,5km. Trường hợp mưa lũ lớn, không thể lưu thông qua tràn Như Ý thì người dân có thể đi vòng qua cầu 37 (cầu Sông Phan), chiều dài đường vòng khoảng 6 km.

Qua kiểm tra kết cấu cáp treo cho thấy hệ thống cáp treo này không đảm bảo cho việc vận chuyển người vượt sông. Sở Giao thông Vận tải đã đề nghị UBND huyện Hàm Thuận Nam chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc và UBND xã Tân Lập yêu cầu hộ ông Nguyễn Khánh dừng việc vận hành, sử dụng và tháo dỡ cáp treo. Đồng thời vận động 3 hộ dân trên đi theo đường vòng qua tràn Như Ý hoặc đi qua cầu Sông Phan vào mùa mưa lũ lớn để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

Trước đây Sở Giao thông Vận tải đã có công văn đề nghị các địa phương khảo sát các vị trí cần xây dựng cầu dân sinh để đưa vào dự án LRAMP. Tuy nhiên do vị trí vượt sông không đạt các tiêu chí bắt buộc của dự án như: không nằm trên tuyến đường xã, thôn có quy hoạch; không có mật độ người đi từ 50 lượt người trở lên… Nên UBND huyện Hàm Thuận Nam đã không đề xuất đưa vào dự án LRAMP.

Theo danh sách được Tổng cục đường bộ chấp thuận thì cách vị trí vượt sông này về phía hạ lưu sông Phan sẽ được đầu tư xây dựng 2 cầu dân sinh là cầu Sông Phan và cầu Sông Đợt nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân tại khu vực này.

T. Nam



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phản hồi bài báo “Đường đi trên ngọn cây”