Theo dõi trên

Sát cánh cùng ngư dân

22/01/2017, 10:12

BT- Với vùng biển rộng 52.000km2, bờ biển dài 192km, hiện toàn tỉnh có 9 tàu vận tải biển (tàu vận tải biển, tàu khách lưỡng dụng) và gần 8.000 tàu cá, trong đó có trên 2.000 thuyền hoạt động xa bờ; 39.000 lao động hoạt động khai thác và thu mua hải sản trên biển. Ngoài ra, vùng biển của tỉnh còn nằm trên cung đường vận tải thủy nội địa Bắc - Nam đi qua với lưu lượng phương tiện khá lớn. Do vậy các tình huống khẩn cấp trên biển có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chủ động, sẵn sàng để làm tốt công tác cứu nạn, cứu hộ trên biển là nhiệm vụ quan trọng được Trạm Tìm kiếm cứu nạn Phú Quý (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Phú Quý) đặt ra.

                
Kíp điều khiển tàu BP 11.19.01. Ảnh: Đ.N

Đi vào hoạt động từ giữa năm 2013, Trạm Tìm kiếm cứu nạn Phú Quý được quan tâm đầu tư, trang bị khá đầy đủ về phương tiện kỹ thuật, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ như hệ thống thông tin liên lạc, thiết bị y tế, xe cứu thương, xe cẩu, xuồng cao tốc hơi đẩy, tàu tuần tra kết hợp cứu hộ, cứu nạn có thể chịu được sóng cấp 8 để đáp ứng nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển đặt ra ngày càng bức thiết. Ngay từ khi mới thành lập, đơn vị đã tích cực huấn luyện lực lượng sử dụng và bảo quản tốt các loại trang bị kỹ thuật, phương tiện, nâng cao nghiệp vụ công tác tìm kiếm cứu nạn để đảm bảo khi có lệnh là xuất kích được ngay. Trung tá Phạm Quang Quỳ - Phó Đồn trưởng, Trạm trưởng Trạm Tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Quý cho biết, các sự cố trên biển xảy ra thường trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, gió to, sóng lớn. Có những chuyến cứu nạn, cứu hộ dài ngày trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải có sự kiên trì, dẻo dai, bền bỉ và được đào tạo huấn luyện kỹ lưỡng về mọi mặt. Đôi khi rất căng thẳng, mệt mỏi nhưng vì nhiệm vụ, vì những nạn nhân còn đang mất tích trên biển hay cả sự ngóng trông của thân nhân những nạn nhân… tất cả là  động lực để anh em nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ.

 Không chỉ vượt qua sóng to gió lớn, để đảm bảo hiệu quả trong công tác cứu nạn, cứu hộ, cán bộ chiến sĩ của trạm luôn phấn đấu rèn luyện để duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở bất cứ môi trường, điều kiện nào. Mọi động tác dù nhỏ nhất như: quăng dây, cột dây, hướng dẫn ngư dân gặp nạn… đều phải thực hiện dứt khoát, nhanh nhẹn, chính xác, thuận lợi, đặc biệt phải tuyệt đối tuân thủ chỉ đạo của chỉ huy để đạt hiệu quả cao nhất.

Trung tá Quỳ nhớ lại, trong 16 ngày đêm tìm kiếm 2 phi công mất tích vụ Biên đội Su22- M4 gồm 2 chiếc số hiệu 5857, 5863 của Sư đoàn KQ 370 bị nạn trong khi bay diễn tập ngày 16/4/2015 cách đảo Phú Quý 8 hải lý. Kíp tàu CN 09 BP 11.19.01 của trạm đã có mặt sớm nhất tại hiện trường tham gia phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Dù được chuẩn bị khá kỹ cả về kỹ thuật và thể lực, nhưng trong điều kiện sóng to, gió lớn và việc tìm kiếm kéo dài nên sự mệt mỏi là không tránh khỏi. Nhưng lúc đó từ chỉ huy tàu đến tất cả cán bộ, chiến sĩ đều canh cánh trong lòng một điều “đồng đội vẫn chưa tìm thấy, các anh còn đang nằm giữa lòng biển lạnh”. Chính nỗi niềm, sự đau thương mất mát ấy là động lực tiếp thêm sức mạnh để anh em quyết tâm, nỗ lực phối hợp tìm kiếm, sớm đưa hai phi công trở về với đồng đội, với gia đình và về với đất mẹ.

                
      
Tàu BP 11.19.01 làm nhiệm vụ trong vụ tàu    cá BTh 96984 TS của Phan Thiết, bị nạn năm 2014.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, trạm đã trực tiếp tham gia và phối hợp tìm kiếm cứu nạn nhiều vụ tai nạn trên biển. Trong đó có những vụ được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm như vụ tìm kiếm 19 ngư dân trên tàu cá BTh 96984 TS của Phan Thiết bị nạn năm 2014. Qua đó, phối hợp với các đơn vị khác cứu vớt được 13 lao động an toàn và 1 thi thể nạn nhân, vụ tàu BV 95568 TS của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu bị nạn tháng 8/2015…   

 Thượng tá Nguyễn Trung Kiên - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Phú Quý cho biết, với trách nhiệm tuần tra, kiểm soát kết hợp tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển khu vực Phú Quý và tỉnh Bình Thuận, các chiến sĩ của trạm luôn xác định phải làm tốt nhiệm vụ để góp phần hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển, tham gia khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển… Thời gian tới, chúng tôi quyết tâm, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu. Tổ chức trực canh thông tin liên lạc 24/24 giờ để kịp thời phát hiện tình hình thiên tai, thảm họa trên khu vực được phân công và vùng biển lân cận, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt với các cơ quan chức năng và các phương tiện hoạt động trên biển của địa phương để hỗ trợ hiệu quả cứu nạn cứu hộ một cách nhanh nhất. Nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, khai thác hiệu quả tính năng tác dụng của các trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện hiện có để thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển đảo.

Đình Nhượng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sát cánh cùng ngư dân