Theo dõi trên

Siết chặt việc tăng biên chế hành chính

27/07/2020, 10:33

BTO- Ngày 1/6/2020, Chính Phủ ban hành Nghị định số 62/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và biên chế công, chính thức có hiệu lực từ ngày 20/7/2020 với nhiều thay đổi tác động đến tổng biên chế. Theo đó, tất cả các cơ quan, đơn vị trên phạm vi cả nước sẽ không thể tùy tiện xin thêm biên chế như trước.

Nghị định số 62/2020/NĐ-CP nêu rõ: Việc điều chỉnh biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức chỉ được xem xét trong 3 trường hợp: Cơ quan, tổ chức có sự thay đổi một trong các căn cứ xác định biên chế công chức. Thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.

Như vậy, việc thành lập các đơn vị mới cũng phải có sự giám sát chặt chẽ, phải lý giải cụ thể tại sao lại thêm 1 vị trí này và vị trí việc làm ấy sẽ đảm trách những việc cụ thể thế nào? Có như vậy, mới không còn thực trạng các đơn vị kiếm cớ tách đơn vị hành chính để tăng thêm biên chế. Đặc biệt, để chốt chặn việc tăng biên chế thông qua xác định vị trí việc làm, Nghị định số 62/2020/NĐ-CP cũng ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu khi xác định từng vị trí của đơn vị mình.

Theo đó, người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức thực hiện không đúng quy định về vị trí việc làm và biên chế công chức tại Nghị định này bị xem xét: Xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật; Đưa vào xem xét phân loại, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm. Không những thế, phải bồi hoàn số kinh phí đã sử dụng vượt quá số biên chế công chức được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc sử dụng không đúng quy định về quản lý và sử dụng biên chế công chức.  

Anh Chiến



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Siết chặt việc tăng biên chế hành chính