Theo dõi trên

Tháng hai, có những ngày đáng nhớ

25/02/2019, 16:26

BTO- Cách đây bốn mươi năm, khi những cánh hoa đào còn tươi sắc hồng, thì bỗng dưng trên dải biên cương phía bắc có tiếng súng vang rền: Quân Trung  Quốc ngang nhiên tấn công vào sáu tỉnh biên giới!

Đó là ngày 17/2/1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc tràn sang gây hấn cùng một lúc trên toàn tuyến biên giới phía bắc. Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh còn chưa xóa hết những vết bom đạn của quân xâm lược Mỹ ngày nào, thì nay lại một lần nữa phải chìm trong khói súng .Trong khi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam còn nóng bỏng, Bộ Quốc Phòng phải ra lệnh rút một lực lượng về hỗ trợ cho quân địa phương ở biên giới phía bắc, số đi bộ, số đi đường biển, số đi máy bay, cấp tốc có mặt tại chiến trường. Trước tình hình quân Trung Quốc ngang nhiên đánh chiếm sáu tỉnh biên giới phía bắc và còn có khả năng lấn sâu vào lãnh thổ Việt Nam, ngày 5/3/1979 Chủ Tịch nước CHXHCNVN Tôn Đức Thắng đã ký Lệnh số 29-LCT công bố Lệnh Tống động viên trong cả nước. Ngày công bố Lệnh, hàng vạn người dân trên đất nước Việt Nam đã im lặng đứng quanh các gốc cây có mắc loa truyền thanh để lắng nghe lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ Quốc mà lòng sôi sục căm thù quân xâm lược. Và chỉ một ngày sau, bài hát hào hùng của nhạc sĩ Phạm Tuyên qua loa truyền thanh vang lên khắp nơi “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới,gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới…” Thanh niên trên khắp đất nước Việt Nam đã hăng hái nộp đơn tòng quân , không ít lá đơn tình nguyện của sinh viên các trường đại học viết bằng máu với lời lẽ sôi sục căm thù, các nữ thanh niên gia nhập đội quân tiếp đạn và cứu thương, không ít bà mẹ cũng xung phong vào đội ngũ cấp dưỡng, tiếp tế … Trong những ngày chiến đấu cam go với quân Trung Quốc xâm chiếm, trên khắp dải chiến trường đã truyền nhau câu chuyện của anh nông dân chiến sĩ Nguyễn Viết Ninh, đã tranh thủ những giờ phút chiến trường im tiếng súng khắc lên báng súng của mình dòng chữ “Sống bám đá chiến đấu, chết hóa đá trở thành bất tử”; sau những lần bị thương anh vẫn không chịu để cứu thương đưa về tuyến sau mà ở lại trận địa chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Sau này, dòng chữ khắc trên báng súng của liệt sĩ Ninh đã trở thành lời thề của các đơn vị bộ đội và được gọt giũa lại cho gọn khắc lên trên các vách đá chiến trường. Trước sức đánh trả quyết liệt của quân đội ta, trước sự hưởng ứng mạnh mẽ của toàn dân Việt Nam đối với Lệnh Tổng động viên của Chủ Tịch nước, quân Trung Quốc bỗng đơn phương rút quân khỏi mặt trận vào ngày 16/3/1979. Song, chúng rút quân không có nghĩa biên giới đã yên bình, Trung Quốc vẫn cứ tiếp tục đánh phá rải rác một dải biên cương, sáu tỉnh biên giới tiếp tục bị tàn phá, bộ đội và nhân dân tiếp tục hy sinh, nhân dân Việt Nam vừa chiến đấu bảo vệ tổ quốc đối với cuộc chiến tranh xâm lược, vừa hỗ trợ lực lượng đối phó với quân Pôn Pốt có  sự hỗ trợ của Trung Quốc tiếp tục tấn công ở phía nam. Cuộc chiến bảo vệ biên giới Việt Trung kéo dài hơn mười năm, cho mãi đến năm 1990 mới thực sự chấm dứt. Và theo những nhà sử học Việt Nam, thì tính đến cuộc chiến tranh biên giới lần này là lịch sử cuộc chiến thứ 14 của Trung Quốc đối với Việt Nam.

Hơn mười năm bảo vệ biên cương, gần 5000 liệt sĩ ngã xuống để bảo vệ bình yên cho vùng biên giới, trên 1700 hài cốt đã được đưa về nghĩa trang trong đó có gần 1000 nấm mồ chưa có tên, còn hơn 2000 hài cốt chưa được quy tập. Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc tính đến nay vừa tròn bốn mươi năm, hài cốt các liệt sĩ đã và còn đang được tổ chức tìm kiếm đưa về quy tập tại nghĩa trang Vị Xuyên. Ngày 17 tháng 2 và ngày thương binh liệt sĩ hằng năm, những người lính chiến đấu trên chiến trường biên giới năm nào lại cùng nhau trở về thăm viếng nghĩa trang và cùng nhau hát lên lời kêu gọi “Về đây đồng đội ơi”, để cầu mong các anh chỉ lối đưa đường cho đội quân tìm kiếm hài cốt nhanh chóng tìm được nơi các anh ngả xuống đưa về yên nghỉ cùng đồng đội. 

TRƯƠNG BẠCH TUYẾT



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tháng hai, có những ngày đáng nhớ