Theo dõi trên

Thị trấn Ma Lâm: 20 năm một chặng đường đổi mới

10/07/2019, 09:24

BT- Cách đây 20 năm (15/7/1999),  xã Ma Lâm lúc bấy giờ hội đủ các điều kiện về kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân cũng như hội đủ các tiêu chí về đô thị. Ma Lâm chính thức được Chính phủ công nhận đô thị loại V.

                
   Một góc thị trấn Ma Lâm. Ảnh: Đ.Hòa

Nhìn lại 20 năm, quãng thời gian không dài so với lịch sử phát triển, nhưng với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân thị trấn tự hào trước những thành tựu đã đạt được trên các lĩnh vực. Từ một xã thuần nông, đến nay đã hình thành rõ nét một đô thị có kết cấu hạ tầng và phát triển. Nhất là 10 năm trở lại đây, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ từ 55%, nay tăng lên 70%; nông nghiệp từ 45% giảm xuống còn 30%. Tổng sản phẩm nội thị đạt 596 tỷ đồng, tăng 578 tỷ đồng so năm 1999. Sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ đạt giá trị 421 tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, nhờ chủ động nguồn nước tưới và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất được triển khai rộng rãi hơn, cơ giới hóa sau thu hoạch trên 98%; giá trị tính trên đơn vị diện tích đạt 150 triệu đồng/ha; tăng cả về năng suất và chất lượng theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và thị trường, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Phát triển mạnh cây thanh long, hiện có 480 ha, trở thành cây chủ lực có giá trị kinh tế cao. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 174 tỷ đồng, tăng 160 tỷ đồng so năm 1999.

Kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông đô thị, giao thông bê tông, điện chiếu sáng, nước sạch sinh hoạt, hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất, nhà ở, khu dân cư, viễn thông, thông tin liên lạc, gắn tên đường theo số nhà, phương tiện đi lại được mở rộng và tăng đáng kể so với năm 1999. Trường THCS, các trường tiểu học trên địa bàn đang hoàn thiện cơ sở vật chất đạt tiêu chí quốc gia; nhiều trụ sở cơ quan, đơn vị được đầu tư xây mới; nhà văn hóa thị trấn và các thôn, khu phố được xây dựng khá khang trang; nhiều công trình văn hóa phúc lợi đang tiếp tục đầu tư như: Công viên cây xanh, bờ kè cầu Ngựa, chỉnh trang vỉa hè đường 8/4, mở rộng đường Lê Hồng Phong, tuyến đường cao tốc Bắc - Nam và khu tái định cư đoạn ngang qua thị trấn, nhà văn hóa thiếu nhi. Thu ngân sách tăng gấp 8 lần so năm 1999, từ một địa phương được ngân sách huyện cân đối trợ cấp hàng năm, từ năm 2010 đến nay thị trấn được đảm bảo tự cân đối và đóng góp một phần vào ngân sách huyện.

Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, các hoạt động văn nghệ, thể thao, thông tin tuyên truyền, các vấn đề xã hội khác từng bước được chăm lo, phát triển. Sự nghiệp giáo dục đạt được những tiến bộ mới, toàn diện, chất lượng ngày càng tăng. Thị trấn đạt chuẩn phổ cập THCS, tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập mầm non 5 tuổi. Trường THCS và Trường tiểu học Lâm Hòa đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chú trọng, thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia; thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở. Phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao phát triển mạnh, đa dạng, thu hút nhiều người tham gia. Thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”; số hộ gia đình văn hóa, thôn, khu phố đạt văn hóa ngày càng nâng dần chất lượng; thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Tỷ lệ hộ nghèo từ 12% nay giảm xuống còn 3% theo tiêu chí mới. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 42,4 triệu đồng, tăng hơn 4,5 lần so năm 1999. Công tác quân sự - quốc phòng và giữ gìn an ninh, trật tự luôn được củng cố và tăng cường, cả về thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và đặc biệt là thế trận lòng dân; phát huy tốt các mô hình giữ gìn an ninh trật tự hiện có.

Từ một Đảng bộ có số lượng đảng viên ít, lãnh đạo chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra, đội ngũ cán bộ hụt cả về số lượng và năng lực trình độ; đến nay hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh về mọi mặt. Toàn Đảng bộ hiện có 280 đảng viên sinh hoạt ở 15 chi bộ. Đội ngũ cán bộ, công chức có đủ trình độ, năng lực được chuẩn hóa theo quy định đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, các chế độ chính sách được quan tâm hơn.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền thị trấn luôn tập trung trí tuệ vận dụng sáng tạo, phù hợp hoàn cảnh điều kiện cụ thể của địa phương, đề ra những chủ trương, giải pháp đúng đắn, sát thực tiễn, hợp lòng dân, quyết tâm đưa nghị quyết của Đảng thành hiện thực trong cuộc sống. Giờ đây, Ma Lâm đã thay đổi rất nhiều, đẹp hơn, khang trang hơn, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Hàm Thuận Bắc.

Thu ThỦy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị trấn Ma Lâm: 20 năm một chặng đường đổi mới