Theo dõi trên

Hàm Thuận Nam: Trên chặng đường mới

08/01/2023, 05:34

“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện luôn chủ động tâm thế ứng phó với những thách thức và sẵn sàng đón nhận cơ hội mới để xây dựng quê hương Hàm Thuận Nam ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Lời tâm sự, chia sẻ trên của đồng chí Bí thư Huyện ủy Lê Thị Bích Liên nhân dịp tết đến, xuân về đã thể hiện khát vọng, quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện nhà khi bước vào “tuổi 40” (1/6/1983 - 1/6/2023).

Đổi thay “tuổi 40”

Hàm Thuận Nam hôm nay đã rất khác so với ngày đầu thành lập. Những căn biệt thự mọc lên ngày càng nhiều. Những vườn thanh long xanh mướt, lung linh dưới ánh điện vào ban đêm như “tấm vải caro” được dệt trên mảnh đất vốn khô cằn. Con đường nhựa, bê tông trải dài tới tận thôn, xã vùng cao mà mới ngày nào phải đi bộ nửa ngày mới tới… Đó là cảm nhận của một nông dân xã Hàm Minh, trước sự đổi thay từng ngày trên quê hương mình.

dscn0058.jpg
Đường giao thông đi về xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh rất thuận lợi

Trong tiết trời lập xuân, bên ly trà ấm, đồng chí Bí thư Huyện ủy Lê Thị Bích Liên chia sẻ: Năm 2022, 11/12 chỉ tiêu trọng tâm huyện Hàm Thuận Nam đề ra trong nghị quyết đều thực hiện đạt và vượt. Chỉ còn 1 chỉ tiêu xây dựng xã Hàm Cường đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao là chưa đạt (dựa theo Quyết định 318/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 – 2025).

vuon-thanh-long-o-ham-thuan-nam-anh-nl-4-.jpg
vuon-thanh-long-o-ham-thuan-nam-anh-nl-2-.jpg
Sản xuất thanh long (ảnh Ngọc Lân)

Nổi bật trên lĩnh vực nông nghiệp, huyện chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch chung của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Tập trung đầu tư cây trồng, vật nuôi có lợi thế và ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp. Sau những khó khăn về đầu ra, giá cả, nông dân trong huyện chủ động sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Diện tích được chứng nhận năm 2022 là 306,15 ha và tái cấp gần 5.000 ha. Mặt khác, các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ra đời góp phần phát triển sản xuất kinh doanh bền vững. Điều này đưa ngành nông nghiệp địa phương phát triển đúng định hướng Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX đề ra: “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững gắn với xây dựng NTM”.

du-khach-tham-quan-vuon-thanh-long-o-phu-my-ham-my-ham-thuan-nam-anh-n.-lan-.jpg
khu-du-lich-ta-cu-ham-thuan-nam-anh-n.-lan-1-.jpg
Du lịch Hàm Thuận Nam đang thu hút du khách trong và ngoài nước (ảnh Ngọc Lân)

Năm qua, ngành dịch vụ, du lịch Hàm Thuận Nam đã sôi động trở lại sau thời gian trầm lắng vì đại dịch Covid-19, với gần 220.000 lượt khách, doanh thu tăng 58 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2021.

Khác với vẻ tấp nập, ồn ào và xô bồ ở TP. Phan Thiết, làng chài ven biển Tân Thành, Tân Thuận, Thuận Quý vẫn mang vẻ đẹp hoang sơ, bình dị. Đâu đó là hình ảnh quen thuộc của những chiếc thuyền đánh cá xa bờ, các em nhỏ chơi đùa trên bãi cát trắng xóa chờ mẹ. Những khu nghỉ dưỡng, homestay yên tĩnh nép dưới hàng phi lao phủ bóng mát rượi, thanh bình. Mỗi gian phòng với lối thiết kế hiện đại, nhưng gam màu hòa nhã mang đến cho du khách không gian thư thái và ấm cúng. Ngoài ra, địa phương đang sở hữu tiềm năng du lịch tâm linh chùa núi Tà Cú. Nơi đây gắn liền với các giá trị văn hóa truyền thống, khiến con người cảm thấy thoải mái và tĩnh tâm, nạp thêm năng lượng cho cuộc sống, tiếp tục chuyến hành trình dài. Rồi đây, khi các công trình trọng điểm như đường cao tốc Bắc - Nam, đường ĐT 179, ĐT 719B… hoàn thành, sẽ tiếp tục thổi làn gió mới vào ngành du lịch của huyện.

Đi đôi với nỗ lực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được Đảng bộ huyện Hàm Thuận Nam quan tâm, chú trọng. Trong đó, từng bước đổi mới giáo dục chính trị tư tưởng, không chỉ bó hẹp trong đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) mà hướng sâu rộng đến quần chúng nhân dân. Công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng được tăng cường; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, cũng như ý thức phục vụ nhân dân, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của CBCCVC từ huyện đến cơ sở.

Có được kết quả trên, theo đồng chí Bí thư Huyện ủy là nhờ tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện đã nghiêm túc chấp hành sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ, phối hợp các sở, ban, ngành; hoạt động của lãnh đạo huyện đảm bảo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và có sự phân công, phối hợp chặt chẽ. UBND huyện có quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH, xây dựng kế hoạch cải cách hành chính và tăng cường hiệu quả bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông”. Ngoài ra, người đứng đầu Huyện ủy, UBND huyện thường xuyên đi cơ sở, đối thoại với nhân dân, nhờ vậy kịp thời nắm bắt những bức xúc, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, doanh nghiệp để chỉ đạo và kiến nghị cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp giải quyết.

img_9907.jpg
Bí thư Huyện ủy Lê Thị Bích Liên cùng các ban, ngành, đơn vị tới thăm, tặng quà cho gia đình chính sách nhân dịp 27/7

Tạo sức bật trên chặng đường mới

Năm 2023 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành trên mọi lĩnh vực của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Hàm Thuận Nam ở “tuổi 40”. Đồng thời cũng là năm thứ 3 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Bí thư Huyện ủy Lê Thị Bích Liên cho biết: Phát huy truyền thống đoàn kết 40 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà sẽ chủ động tâm thế ứng phó với những thách thức và sẵn sàng đón nhận cơ hội mới để xây dựng quê hương Hàm Thuận Nam ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với xây dựng NTM, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, thích ứng nhu cầu thị trường. Thực hiện tốt các dự án liên kết chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Chỉ đạo phát triển đồng bộ các lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp. Quan tâm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, thực hiện tốt các vấn đề văn hóa xã hội. Tăng cường quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, nhất là đất đai, khoáng sản, môi trường, trật tự xây dựng, rừng.

Cùng với đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ đảng viên. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Quán triệt tinh thần trách nhiệm, ý thức chấp hành vì nhân dân phục vụ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; mọi thiếu sót, khuyết điểm trong thực thi nhiệm vụ phải có người chịu trách nhiệm…

Chặng đường mới, thử thách còn nhiều nhưng với sức mạnh lòng dân, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và khát vọng vươn mình của vùng đất giàu tiềm năng sẽ là động lực để quê hương Hàm Thuận Nam tiếp tục phát huy thành quả đạt được, đổi mới mạnh mẽ, nắm bắt thời cơ, vượt mọi khó khăn, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Năm 2022, 11/12 chỉ tiêu trọng tâm huyện Hàm Thuận Nam đề ra đã thực hiện đạt và vượt. Trong đó, thu ngân sách 332,770 tỷ đồng, đạt 190,15% kế hoạch tỉnh giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 296,9 ha, đạt 118,76% kế hoạch, giảm 71 hộ nghèo, đạt 142%, giải quyết việc làm cho 2.023 lao động, đạt 101,15%, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 91,1%...

T.LINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nông thôn mới Hàm Thuận Nam: Văn hóa nổi bật
Trong khi một số chỉ tiêu nông thôn mới ở các xã trên địa bàn huyện có rớt, vì thực hiện theo Quyết định 318/QĐ-TTg thì 2 tiêu chí văn hóa số 6, số 16 vẫn đang giữ vững. Với tiêu chí số 6, 2 xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh chưa được đầu tư nhưng trong giai đoạn 2021 -2025, vùng đồng bào dân tộc thiểu số này, bắt đầu khởi động việc đầu tư, sửa chữa các thiết chế văn hóa...
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Nam: Trên chặng đường mới