1. Bình Thuận là tỉnh có chiều dài bờ biển 192 km, vùng lãnh hải rộng trên 52 ngàn km2. Đặc biệt có huyện đảo Phú Quý cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý – hòn đảo nhỏ này có vị trí chiến lược về quốc phòng, là hậu cứ quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là tình hình tranh chấp chủ quyền trên biển Đông chưa có dấu hiệu lắng xuống. Với diện tích tự nhiên 17,8 km2, địa hình bằng phẳng, ít núi, có nhiều đảo nhỏ, rất thuận tiện cho khai thác, nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch biển đảo.
Khách du lịch đến Phú Quý ngày càng tăng
Từ nhiều năm qua, huyện Phú Quý đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình để cụ thể hóa Nghị quyết 36 của Trung ương, các văn bản của tỉnh về phát triển kinh tế biển. Kinh tế biển được xác định là ngành mũi nhọn, là khâu đột phá của huyện và được tập trung đầu tư phát triển. Trong đó, đặc biệt chú ý đến phát triển năng lực khai thác, sản xuất chế biến và nuôi trồng. Đến nay năng lực tàu thuyền của huyện có 1.560 chiếc/256.000 mã lực, đa phần là tàu thuyền công suất lớn, khai thác xa bờ, làm dịch vụ hậu cần trên biển, thu mua và chế biến trực tiếp trên biển. Theo thống kê mới nhất, thì trong 5 năm gần đây sản lượng khai thác thủy sản bình quân đạt trên 30.000 tấn/năm. Đáng chú ý, các sản phẩm khai thác chủ yếu là cá thu, cá nục, mực ghim, cua huỳnh đế, tôm hùm… đã góp phần đáng kể nâng cao giá trị kinh tế cao, phục vụ cho xuất khẩu trong ngoài nước.
Hệ thống dịch vụ giao thông vận tải biển hiện nay cơ bản thông suốt và có bước phát triển nhanh, quy mô, hiện đại hơn so trước đây. Tuyến Phan Thiết – Phú Quý hiện có 4 tàu trung, cao tốc hoạt động chuyên vận tải hành khách, thời gian đi lại chỉ còn 2 tiếng, rất thuận tiện cho khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng, nghiên cứu, học tập… và 5 tàu chở hàng hóa với tải trọng được nâng lên hàng chục tấn/chuyến. UBND huyện Phú Quý cho biết, hiện có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm tuyến vận tải này, giả sử nếu mời gọi được nhà đầu tư tuyến Phú Quý – Hàm Tân thông qua Cảng Sơn Mỹ hoặc Phú Quý – Mũi Né, để hình thành tam giác du lịch thì đây là một hướng đi tiềm năng cho du lịch Bình Thuận nói chung và Phú Quý nói riêng. Một lợi thế nữa là Phú Quý có vị trí rất gần với tuyến hàng hải quốc tế trên biển Đông – đây được xem là tuyến thứ 2 nhộn nhịp trong vận tải quốc tế trên biển của thế giới. Điều này sẽ góp phần thu hút lượng khách quốc tế đến với huyện đảo và tỉnh khi Cảng Phan Thiết được đầu tư, nâng cấp thành cảng nước sâu.
Du khách trải nghiệm chèo thuyền, mua hải sản tươi sống tại lồng bè
2. Trong định hướng phát triển du lịch biển đảo, Phú Quý đã được UBND tỉnh quy hoạch và quyết định công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh. Hiện nay huyện đang tập trung cụ thể hóa chiến lược phát triển du lịch đến 2025, định hướng đến 2030 theo tinh thần Nghị quyết 06 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIV. Phú Quý hiện có 15 khách sạn, 27 nhà nghỉ, nhà trọ, 40 homestay và dự kiến con số này sẽ tăng trong thời gian sắp đến khi nhu cầu đi du lịch biển đảo của du khách tăng hàng năm. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, bình quân lượng khách đến huyện đảo trong 5 năm gần nhất là 50.000 người/năm đến tham quan, du lịch. Tính mức chi tiêu thấp nhất cho một người đến Phú Quý trong 2 ngày, 1 đêm khoảng 2 triệu đồng thì tương đương một năm du khách đã chi 100 tỷ đồng tại nơi mình đến. Nếu so với mức thu ngân sách của huyện con số này không hề nhỏ, vì thế rất cần sự tính toán, quan tâm của nhiều ngành cấp, trong nghiên cứu, tham mưu, đầu tư để hình thành chuỗi dịch vụ du lịch từ Mũi Né – Phan Thiết – Phú Quý hoặc có thể xa hơn là các tỉnh, thành phía Nam, Tây nguyên. Đồng hành với du lịch của Phú Quý thời gian vừa rồi còn có sự hiện diện, góp sức của các địa danh, khu di tích lịch sử, di tích văn hóa trên đảo như: Chùa Linh Quang, vạn Anh Thạnh, miếu Công chúa Bàn Tranh, núi Cao Cát, vịnh Triều Dương… đã thu hút lượng khách du lịch đến với “đảo ngọc” tăng dần hàng năm.
Khách liên hệ nghỉ tại khách sạn, thưởng thức ẩm thực ở Phú Quý
3. Anh Nguyễn Nguyên Vũ – Trung tâm Xúc tiến Du lịch Bình Thuận – đơn vị chuyên thiết kế, giới thiệu, quảng bá các địa danh du lịch của tỉnh cho biết: “Tiềm năng phát triển du lịch Phú Quý rất đa dạng và phong phú. Đó là những địa điểm tham quan độc đáo và đang được du khách quan tâm như: Hòn Tranh, Bờ kè Bãi Lăng, khu Phong điện, núi Cao Cát - chùa Linh Sơn, bãi Nhỏ - gành Hang, hồ Vô cực, lồng bè hải sản; hay các địa điểm tham quan như mộ Thầy, đuốc Bác Hồ, hải đăng; trải nghiệm hoạt động chèo thuyền kayak, chèo SUP, lặn ngắm san hô, lướt ván; thưởng thức ẩm thực, hải đặc sản biển”.
Địa chỉ tham quan công viên hải sản, du khách lặn biển
Cùng với việc tăng cường truyền thông quảng bá điểm đến, Phú Quý còn hấp dẫn bởi rất thuận lợi trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, thiết kế tour, tuyến tham quan mới lạ, sản phẩm du lịch hấp dẫn để mời gọi khách du lịch đến với huyện đảo trong thời gian tới.
Du khách có thể trải nghiệm du lịch biển, ngắm phong cảnh
Với tiềm năng, thế mạnh về du lịch biển đảo, Phú Quý rất cần sự kết hợp giữa cảng phục vụ công nghiệp, khai thác hải sản và dịch vụ du lịch. Kết nối với các khu vực trong tỉnh như Phan Thiết - Mũi Né – Phú Quý – Vĩnh Tân (Tuy Phong) – Sơn Mỹ (Hàm Tân), từ đó hình thành chuỗi du lịch cho tỉnh và huyện, tạo điều kiện phát triển tuyến giao thông biển duy nhất của người dân huyện đảo với đất liền. Phát triển Khu du lịch Phú Quý thành ngành mũi nhọn trong du lịch của Bình Thuận theo đề án đã được phê duyệt; từng bước đưa Khu du lịch Phú Quý là điểm đến quan trọng trong hệ thống du lịch biển đảo vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Đến năm 2025, Phú Quý trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh… rất cần sự quan tâm, đồng hành, của Trung ương, tỉnh bằng những chính sách mở, linh hoạt, đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng cho huyện, để “đảo ngọc” không ngừng được củng cố về quốc phòng, an ninh trên biển Đông mà còn là trợ thủ đắc lực cho kinh tế biển, du lịch biển đảo phát triển!