Sau 15 năm thực hiện, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 - Khóa XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của vấn đề trên, do vậy Trung ương đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.
Sự đúng đắn
Nhìn lại Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 – Khóa X về đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị được ban hành từ 15 năm trước, có thể nhận thấy Nghị quyết đã đặt ra một vấn đề rất hệ trọng của Ðảng cầm quyền, đó là Ðảng ta nhận thức rõ hơn về nội hàm phương thức lãnh đạo; về tầm quan trọng mang ý nghĩa chiến lược, lâu dài của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng trong thời kỳ mới của cách mạng. Từ đó, Nghị quyết khẳng định mục tiêu đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị để tiếp tục giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao tính khoa học, năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước và toàn xã hội; Tạo sự gắn bó mật thiết giữa Ðảng với nhân dân; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Ðảng và trong xã hội để nước ta phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa… Tại thời điểm đó, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị đã được đặt ra trong hoàn cảnh những năm qua bên cạnh những thành tựu đạt được, phương thức lãnh đạo của Ðảng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập cần phải khắc phục: Có nơi Ðảng bao biện làm thay, có nơi Ðảng buông lỏng sự lãnh đạo đối với hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Việc thiết kế những cơ chế, chính sách, những quy định có tính pháp quy để thể hiện sự lãnh đạo của Ðảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị còn yếu và rất thiếu những quy định cụ thể, khả thi, còn xem nhẹ phong cách, lề lối lãnh đạo... Từ thực tiễn trên và đặc biệt, từ sự thấu hiểu sâu sắc những đòi hỏi mới đối với quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng, Nghị quyết Trung ương 5 đã tổng kết và làm rõ những quan điểm, nội dung, các giải pháp mang tính toàn diện và thực tiễn, trong đó có nhiều nội dung rất mới, rất cụ thể. Trong từng nội dung, Trung ương đã quan tâm đến tính đồng bộ và tính tổng thể trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với hệ thống chính trị. Ðó là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng phải đặt trong tổng thể công tác đổi mới, chỉnh đốn Ðảng; đồng bộ với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Ðổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng phải đồng bộ với đổi mới phát triển kinh tế, xuất phát từ yêu cầu tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế; phải trực tiếp tác động vào quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong khi tiếp tục đề cao việc kiên định nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ðảng, Trung ương nhấn mạnh việc thực hành dân chủ rộng rãi, đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp mạnh hơn, gắn với việc đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu; đề cao tính sáng tạo của các cấp, các ngành phù hợp với điều kiện, đặc điểm và yêu cầu của ngành, địa phương. Ðảm bảo sự thống nhất chặt chẽ giữa hai yêu cầu trên, một mặt, Nghị quyết khẳng định những nội dung có tính nguyên tắc phải thực hiện trong quá trình đổi mới, mặt khác, đã chỉ ra tương đối cụ thể, chính xác những quy định, quy chế, chế tài trong quan hệ giữa phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với hệ thống chính trị, xác định rõ phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương…
Kế thừa và phát huy
Có thể khẳng định, trong điều kiện một Ðảng duy nhất cầm quyền như ở nước ta, phương thức lãnh đạo của Ðảng tác động trực tiếp đến hoạt động của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị. Phương thức lãnh đạo tốt sẽ tạo động lực cho các tổ chức trong hệ thống chính trị phát huy vai trò, vị trí của mình; ngược lại, khi phương thức lãnh đạo của Ðảng không tốt sẽ kìm hãm sự phát huy năng lực của các tổ chức và hiệu quả thấp trong hoạt động của toàn bộ hệ thống chính trị… Và từ sự đúng đắn, khoa học, gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, Nghị quyết Trung ương 5 – Khóa X đã giải quyết tốt những vần đề trên, qua đó góp phần nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy tốt hơn vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; có nhiều đóng góp tích cực vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Kế thừa những kết quả đạt được từ Nghị quyết Trung ương 5 – Khóa X, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 – Khóa XIII, đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới. Trong đó, Trung ương đặc biệt nhấn mạnh: Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải bảo đảm giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới. Quá trình thực hiện, cần phải kiên định các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; đẩy mạnh phân công, phối hợp, phân cấp, phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu; giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, cơ chế, chính sách, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng. Để tiếp tục đổi mới thành công phương thức lãnh đạo của Đảng, phải chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao, đồng thời cần thận trọng, có bước đi vững chắc, vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm; vấn đề đã rõ thì kiên quyết đổi mới, vấn đề cần thiết nhưng chưa rõ, còn ý kiến khác nhau thì phải nghiên cứu, thí điểm, không nóng vội nhưng cũng không bỏ qua hoặc để quá chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả, kinh nghiệm tốt trong phương thức lãnh đạo của Đảng đã được thực tiễn chứng minh là đúng. Ở mỗi cấp, mỗi lĩnh vực phải vừa quán triệt các nguyên tắc chung, vừa phải phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo của từng cấp, từng lĩnh vực và của từng loại hình cơ quan nhà nước, từng tổ chức chính trị - xã hội. Trên cơ sở thống nhất cao về nhận thức, cần phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc nhận thức về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới.