Theo dõi trên

Bệnh thành tích và chuyện “đối phó” của giáo viên

01/06/2018, 10:54

BTO - Thời gian này, các trường đã và đang ôn tập để bước vào kỳ thi cuối học kỳ. Hình ảnh nhìn thấy nhiều nhất là các cửa hàng photocopy xung quanh các trường học luôn trong tình trạng quá tải. Những xấp tài liệu của đủ các môn học được in dày hàng xấp. Người đi in sao là học sinh, thậm chí có cả thầy cô giáo.

Cầm những tập tài liệu trên tay, ta sẽ dễ dàng thấy ngay đó chính là những đề cương chi tiết được soạn một cách công phu. Tác giả của những bộ đề cương này đương nhiên là thầy cô giáo. Nghe có vẻ phi lý, học ôn phải do chính học sinh soạn, rồi học mới có đủ kiến thức đi thi. Nhưng cái lẽ đương nhiên ấy từ lâu đã bị chính thầy cô lãng quên mà thay vào đó là thầy cô soạn, thậm chí phô tô luôn tài liệu phát cho từng lớp. Học sinh chỉ việc cầm về và học hoặc làm tài liệu…  khi vào phòng thi.

Môn thi nào chẳng có đề cương. Nếu là những môn học bài như: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân…, đề cương là những câu hỏi được soạn khá ngắn gọn. Nếu là môn có bài tập như: Toán, Lý, Hóa, Anh văn… thường có 2 phần lý thuyết và thực hành. Đó là những bài tập được làm sẵn một cách chi tiết.

Có người thắc mắc đặt câu hỏi “sao không để học sinh tự soạn? Thầy cô soạn sẵn hóa chẳng phải tập cho các em tính ỷ lại, lười tư duy hay sao?”.

Một giáo viên bậc trung học phổ thông cho biết: “Có đề cương sẵn, học sinh chịu học đã là một may mắn. Có em thầy cô năn nỉ còn chưa chịu học”. Và cũng có giáo viên hỏi lại: “Vậy bạn có biết vì sao thầy cô lại phải làm thay việc lẽ ra là của học trò?”.

Rồi cũng tự giáo viên ấy trả lời: “Nếu không thế, trò làm bài yếu người lãnh hậu quả chính là thầy cô”.

Sau đó là dẫn chứng: Lớp nào cũng có chỉ tiêu. Chẳng hạn, chỉ tiêu chất lượng bộ môn phải đạt khoảng 90 - 95% trở lên. Nếu trò đạt thấp hơn số đó xem như danh hiệu thi đua của giáo viên cuối năm sẽ bị “lung lay”.

Ngành giáo dục cứ liên tục yêu cầu “đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới thi cử” nhưng bệnh thành tích vẫn còn nặng; giáo viên còn bị “chỉ tiêu lên lớp” đè nặng thì tránh sao không xảy ra việc “đối phó”? Soạn đề cương ôn thi cho học sinh không khác gì bảo: “Các em học đi, học giúp cho thầy (cô) để làm bài thi!”. Một khi mà sự học hành, thi cử còn bị bệnh thành tích, không coi trọng thực học thì việc học, việc thi, rộng ra là phương pháp giáo dục có những điều bất ổn.

Thảo Ly



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh thành tích và chuyện “đối phó” của giáo viên