Theo dõi trên

“Chơi mà học” - tiếng Anh không là nỗi “ám ảnh”

21/11/2017, 09:40

BT- Giờ học tiếng Anh không còn là nỗi “ám ảnh” của sinh viên (SV), Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận đổi mới phương pháp dạy theo hướng tích hợp, tạo cho SV sự hứng thú, khơi dậy cảm xúc, nhận thức sâu sắc hơn với môn học; đặc biệt môn tiếng Anh chuyên ngành du lịch – dịch vụ.

                
      
   SV đang thực hành tiếng Anh với chủ đề chế    biến món gỏi cuốn (Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận).

Lớp học là sân chơi

Chủ đề dạy tiếng Anh trong mỗi tiết học như giới thiệu món ăn, công thức chế biến món ăn, cách phục vụ tại nhà hàng, dọn buồng phòng… luôn gắn liền một cầu nối để dẫn dắt sự chú ý của SV vào bài học. Thông qua các hoạt động chia lớp học thành nhiều cặp hoặc nhóm nhỏ đóng vai nhân vật, chơi trò bingo, xếp hình ma thuật, trò chơi đoán chữ… tạo không khí vui nhộn, thoải mái suốt giờ học. Đặc biệt là tạo sự tương tác giúp SV thực hành nghe – nói nhiều hơn; thay vì viết câu và làm bài tập trong sách. Khi ứng dụng vào cuộc sống, SV sẽ biết hoàn cảnh nào nên dùng câu, từ nào cho phù hợp, làm tăng khả năng phản xạ ngôn ngữ. Đó là chia sẻ của thầy Trần Nguyên Huy, giáo viên dạy tiếng Anh chuyên ngành du lịch – dịch vụ (Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận).

Chẳng hạn, trước khi dạy bài phục vụ món ăn (Here’s the menu), giáo viên trình chiếu clip hội thoại giữa người phục vụ và thực khách tại nhà hàng. Sau khi xem xong, SV được phân làm 2 nhóm tham gia trò chơi sắp xếp hình ảnh bị xáo trộn theo đúng quy trình phục vụ món ăn cho khách trong thời gian nhanh nhất. Tiếp đó, giáo viên nhận xét và dạy bài học trên. Trong quá trình học, SV đóng vai nhân vật và chơi trò chuyền banh để thực hành cách chào hỏi giới thiệu với thực khách trong nhà hàng, mô tả món ăn, gợi ý món ăn khác… Với chủ đề chế biến món gỏi cuốn (How to make spring rolls), giáo viên chuẩn bị các nguyên liệu cho tiết học. Trong giờ học, hầu hết SV vừa thực hành làm món gỏi cuốn vừa nói các mẫu câu về quy trình chế biến… Kế tiếp, lớp học chia thành 3 đội và sắp xếp các câu theo đúng trình tự chế biến món ăn trong thời gian càng ngắn càng tốt.  

Học sinh “khoái”

Theo Mang Nhỏ (SV nghề quản trị khu resort), hồi đi học ở trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, môn tiếng Anh học nặng về ngữ pháp, học thuộc lòng từ vựng bằng cách ghi chép “nhồi nhét”. Vì thế, em học đối phó miễn sao vừa đủ 5 điểm. Việc học tiếng Anh trở thành gánh nặng, và cảm thấy chán nản mỗi khi có tiết học này. Tuy nhiên, khi học nghề quản trị khu resort  tại Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận, em lại thích học môn tiếng Anh. Bởi giờ học luôn được thực hành nghe nói, luyện chất giọng ngữ điệu thông qua bài hát, cuộc hội thoại trên phim. Bên cạnh đó, thầy cô đều gắn kết trò chơi vào các bài học tạo ấn tượng nhớ lâu cấu trúc câu, từ vựng…

Một số sinh viên khác cho rằng số tiết học môn tiếng Anh tại trường trong suốt 3 năm là khoảng thời gian không quá dài, cũng không quá ngắn, nhưng đã truyền cảm hứng cho các em cảm thấy thoải mái trong giờ học. Cách dạy của thầy cô vui tươi, truyền tải kiến thức dễ dàng, dễ hiểu. Hơn thế nữa, là môi trường học tập năng động, vui nhộn qua thực hành các tình huống cụ thể theo giáo trình, thực tế ngoài cuộc sống           

Kết hợp nhịp nhàng

Thầy Nguyễn Hoàng Chiến (Trưởng khoa du lịch) cho biết: để giờ học tiếng Anh không còn là nổi “ám ảnh” của SV, nhà trường thực hiện dạy tiếng Anh theo phương pháp tích hợp: lồng ghép trò chơi, nhạc Rap, Hiphop; hình ảnh trực quan trong các bài học để nâng cao khả năng quan sát, liên tưởng, kết nối kiến thức, thực hành nghe – nói của SV. Chính điều này sẽ tạo ra tính bất ngờ và gây hứng thú cho các em. Từ đó, các em sẽ ghi nhớ từ vựng, lĩnh hội kiến thức một cách tự nhiên, không gượng ép. Sau bài học, ngoài việc học ngôn ngữ, SV còn học được phong cách phục vụ như khi đem thực đơn mời khách thì đứng ở vị trí nào, cách đặt món ăn ra sao, cách bày biện bàn ăn, trang trí món ăn…

Cũng theo thầy Chiến, quá trình giảng dạy đã gặp không ít vướng mắc. Thông thường, giáo viên tiếng Anh tốt các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nhưng lại yếu kiến thức nghề. Còn giáo viên nghề dù có đầy đủ chứng chỉ ngoại ngữ, nhưng không thể giảng dạy tiếng Anh theo nghề được. Vì thế, trường tạo điều kiện cho giáo viên dạy tiếng Anh phải thường xuyên có mặt tại doanh nghiệp vào các tháng nghỉ hè để học các kỹ năng. Từ đó, giáo viên tiếng Anh lên tiết học tốt hơn theo từng ngành nghề.

Trang HIẾU



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Chơi mà học” - tiếng Anh không là nỗi “ám ảnh”