Theo dõi trên

Tiếp tục nhân rộng mô hình Vnen trong năm học mới

03/09/2018, 08:42

BT- Mô hình trường học mới (Vnen) được triển khai tại Bình Thuận từ năm học 2012 – 2013. Với phương pháp dạy học chuyển đổi hình thức từ chỗ giáo viên truyền thụ kiến thức sang việc học sinh tự giác, tự học, lấy học sinh làm trung tâm, hoạt động ở quy mô lớp thành hoạt động ở quy mô nhóm. Đến nay, mô hình vẫn được duy trì và nhân rộng đến nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.

                
   Dạy học theo mô hình Vnen tại Trường tiểu    học Bắc Phan Thiết.

Hiệu quả của mô hình

Trường tiểu học Bắc Phan Thiết (TP. Phan Thiết) là một trong những đơn vị được đánh giá triển khai tốt mô hình Vnen của TP. Phan Thiết. Ấn tượng của chúng tôi là phòng học trang trí đẹp, phong phú với các góc cộng đồng, góc học tập, góc trưng bày sản phẩm và sơ đồ hội đồng tự quản lớp… Đi cùng đó là không khí lớp học sinh động khi cô trò tương tác nhau, học sinh mạnh dạn, tự tin phát biểu. Hiệu trưởng Trường tiểu học Bắc Phan Thiết Huỳnh Thị Lâm Chi cho biết, tính đến nay trường đã thực hiện mô hình Vnen được 5 năm và tiếp tục duy trì trong năm học 2018 – 2019. Tuy nhiên, hiện vẫn còn phụ huynh phản đối chương trình dạy học mới này do chưa hiểu hết về mô hình. Do đó, trường đã tích cực giải thích, tuyên truyền để phụ huynh hiểu rõ hiệu quả của mô hình và tạo đồng thuận giữa Ban đại diện cha mẹ học sinh với nhà trường để cùng thực hiện tốt mô hình này.              

 Theo Sở Giáo dục & Đào tạo, năm học 2017 – 2018 toàn tỉnh có 99/278 trường tiểu học thực hiện mô hình Vnen. Qua đánh giá của sở trong năm học qua, các trường dạy học theo mô hình Vnen đều có cơ sở vật chất khá khang trang, có đầy đủ trang thiết bị dạy học cần thiết, phòng học được giáo viên, học sinh và phụ huynh đầu tư trang trí đẹp, phong phú đã có tác động tích cực đến việc học tập của học sinh. Học sinh đã xây dựng được thói quen tự quản, rèn kỹ năng sống tập thể, đặc biệt kỹ năng giao tiếp, hợp tác, chia sẻ. Với mô hình Vnen, việc học không chỉ mang đến kiến thức, rèn kỹ năng sống mà còn hình thành năng lực phẩm chất cho các em thông qua các hoạt động trải nghiệm trong lớp học, trong và ngoài trường học. Còn giáo viên biết giao việc, kiểm soát và thúc đẩy việc tự học của học sinh, vận dụng được các phương pháp và kỹ năng dạy học phù hợp như phương pháp bàn tay nặn bột, kỹ thuật dùng sơ đồ tư duy, kỹ thuật các mảnh ghép… để giúp học sinh chủ động trong việc học, phát triển lên mức độ 3, 4 (theo Thông tư 22)… 

Nhiều khó khăn

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn chưa được giải quyết. Cơ sở vật chất của một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình, cụ thể diện tích phòng học thiết kế theo cách truyền thống nên có phần hạn chế trong tổ chức hoạt động dạy học trong nhóm. Một số trường có sĩ số học sinh khá đông (35 - 40 học sinh/lớp) nên việc ngồi học theo nhóm chưa thuận lợi. Các thói quen tự học, tự quản lý, tự phục vụ chưa được duy trì thường xuyên. Giáo viên vận dụng các kỹ thuật dạy học chưa đều, ít quan tâm giúp học sinh mô tả, trình bày bằng nhiều hình thức khác, sử dụng chưa thành thạo cách đặt vấn đề giúp học sinh suy nghĩ, khám phá, giải quyết tình huống mới; vai trò tổ chức, điều khiển học sinh hoạt động chưa thành thạo, có lúc áp đặt kiến thức. Phương pháp giúp học sinh rèn luyện phát triển năng lực, phẩm chất còn đơn điệu, thiếu kích thích sự vươn lên của học sinh, thói quen dạy học truyền thống vẫn còn…

Năm học 2018 – 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo vẫn tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình trường học mới Vnen trên tinh thần tự nguyện tùy theo điều kiện của từng nơi để triển khai thực hiện phù hợp. Dự kiến, năm học mới có thêm 7 trường triển khai mô hình Vnen nâng tổng số trường thực hiện mô hình này lên 106 trường/278 trường. Theo đó, sở cũng đưa ra các giải pháp thực hiện như tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền mô hình trường học Vnen tới các cấp quản lý, giáo viên và phụ huynh để mở rộng thêm các trường có đủ điều kiện thực hiện. Đối với các trường đang thực hiện mô hình, phối hợp tốt với Ban đại diện cha mẹ học sinh để thực hiện công tác xã hội hóa, tạo điều kiện cho phụ huynh cùng tham gia các hoạt động của trường, của lớp. Các trường cần trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm những nội dung thực hiện hiệu quả và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức lớp học, điều chỉnh tài liệu học tập...

Thanh ThỦy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếp tục nhân rộng mô hình Vnen trong năm học mới