Theo dõi trên

Với học sinh trường dân tộc

25/09/2020, 08:53

BT- Năm học mới, gặp mấy thầy hiệu trưởng ngồi trao đổi kế hoạch đưa công nghệ thông tin vào quản lý, chỉ đạo một số hình thức sinh hoạt chuyên môn, dạy học trực tuyến. Trong đó, riêng thầy hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú còn quan tâm việc nghiên cứu đặc điểm tâm lý của học sinh người dân tộc, giúp cho công tác chủ nhiệm và giảng dạy được thuận lợi.  

Cần đánh giá khoa học

Nghe vậy, tôi gợi ý nên trao đổi với tiến sĩ tâm lý Trần Văn Tính, chủ nhiệm bộ môn giáo dục và phát triển con người, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội, xem có công trình nghiên cứu nào về tâm lý học sinh dân tộc không thì được tiến sĩ Tính vui vẻ gửi cho bản khảo sát các hoạt động học tập và sinh hoạt của trên 1.200 học sinh vùng dân tộc và 80 thầy cô giáo dạy các trường dân tộc nội trú, từ đó đưa ra tổng kết các đặc điểm tâm lý đặc trưng của học sinh vùng dân tộc. Chúng tôi thấy đây là tư liệu rất cần cho những thầy cô mới giảng dạy loại hình trường học sinh dân tộc tham khảo, ứng dụng. Đơn cử một số biểu hiện trong rất nhiều đặc điểm tâm lý của công trình nghiên cứu này.  

Cuộc sống của học sinh hàng ngày tiếp xúc với cảnh vật tự nhiên núi rừng, nên suy nghĩ các em thường vô tư, trong sáng, trong giao tiếp ứng xử nói sao làm vậy. Đức tính thật thà trung thực của các em được thể hiện như trước một sự việc, hiện tượng, con người, nếu yêu cầu nhận xét thì các em thấy sao nói vậy, không thêm bớt. Sinh ra và lớn lên từ cuộc sống nương rẫy, điều kiện vật chất thiếu thốn, phải sống bằng chính sức lao động chân tay của mình nên phần lớn các em thích hoạt động cơ bắp. Khi được hỏi: “làm lao động và lên lớp học em thích làm cái nào hơn?” hầu hết các em đều cười và trả lời là “làm lao động thích hơn, làm cả ngày không thấy mệt mà học bài một tí là buồn ngủ ngay!”. Phần lớn các em có tâm lý tự ti, mặc cảm, hay tự ái.

Ở học sinh dân tộc thiểu số, lễ phép không cứ phải là dạ thưa liên tục, gặp ai cũng chào, mà thường biểu hiện bằng ánh mắt, nụ cười. Phần lớn các em có tình cảm gắn bó thủy chung lâu dài khi đã thực sự mến yêu một người nào đó. Chịu ảnh hưởng nặng nề các phong tục, tập quán lạc hậu, như lấy vợ gả chồng sớm, tục tảo hôn vẫn còn, đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học tập và hướng phấn đấu trong tương lai của các em, đặc biệt là các em nữ. Tình yêu của các em đến sớm và dễ dàng bằng lòng lập gia đình.

Nhiều khi còn có tâm lý ỷ lại. Một số em tự xem mình có quyền ưu tiên về mọi chế độ, chính sách. Một số ít tỏ ra ngông nghênh, dựa dẫm vào vị trí xã hội của cha mẹ, nên dễ bị lôi kéo, kích động. Uống rượu trở thành văn hóa, thói quen và khẳng định giá trị, nhưng ở trường học các em không được phép uống rượu, nên cũng gặp khó khăn để thích ứng. Thói quen uống rượu đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, lối sống và khả năng phát triển, là một trong những nguyên nhân làm giảm trí nhớ, tiếp thu chậm và mau quên.

Về khen thưởng, kỷ luật: Các em không thích bị nêu khuyết điểm trước tập thể. Nếu gặp riêng và khuyên nhỏ nhẹ các em có thể nghe và tin theo, nếu không sẽ chống đối. Về giao tiếp: Các em lễ phép chào thầy cô, nhưng nếu thầy cô không chào lại, lần sau học sinh sẽ không chào nữa.

Các em ít hiểu biết về giới tính, sức khỏe sinh sản, ngại ngùng, xấu hổ khi đề cập đến vấn đề này, nên dẫn đến những hành vi thể hiện không phù hợp về mặt giới tính, có thể bị mang thai. Nhà trường gặp nhiều khó khăn việc học sinh quan hệ tình dục khi ở với gia đình vì điều này được gia đình chấp nhận. 

Cần với thầy cô

Đặc điểm đặc trưng và nổi bật nhất của học sinh là người dân tộc thiểu số là khả năng phân tích, phán đoán, suy luận lôgic còn hạn chế, sự hình thành tri thức mới ở các em chủ yếu thông qua các hoạt động quan sát ghi nhớ mang tính đại khái, chung chung. Các em chưa biết phân biệt tài liệu, kiến thức nào cần nhớ từng câu, từng chữ, cái gì cần hiểu mà không cần nhớ... Với những đặc điểm đó, người làm công tác giáo dục cần phải xây dựng cho mình một phương pháp truyền thụ tri thức đặc trưng phù hợp với đối tượng.

Võ Nguyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Với học sinh trường dân tộc