Theo dõi trên

Đến với tập Thơ ngắn Đỗ Nghê

24/04/2018, 10:38

BT- Vậy là tôi đã có trong tay tập sách Thơ ngắn Đỗ Nghê do Câu lạc bộ thơ ca La Gi gửi tặng. Cái “cớ” để câu lạc bộ này gửi tặng vì nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc sinh ra và lớn lên ở La Gi; hơn thế nữa, còn là sự gắn bó, thân thiết giữa câu lạc bộ này với nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, cho dù nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc thuộc lớp “chiếu trên” trong lĩnh vực thơ văn như cách nói của anh Cao Hoàng Trầm, đại diện cho Câu lạc bộ thơ ca La Gi.

Thật tình tôi có đọc thơ văn của Đỗ Nghê trước giải phóng trong kho sách cũ do ngành văn hóa quản lý khi về nhận công tác ở ngành này sau năm 1975.

Bẵng đi một thời gian dài không thấy bút danh Đỗ Nghê mà chỉ thấy bút danh Đỗ Hồng Ngọc trong các tản văn về sức khỏe rồi về đạo Phật; để trả lời thắc mắc này của nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm, Đỗ Hồng Ngọc nói: “Không phải rời bỏ bút hiệu Đỗ Nghê đâu. Chỉ là “rửa tay gác kiếm tạm thời” thôi! Thời đó có quá nhiều “Ông Đồ xứ Nghệ”, nên Đỗ Nghê tạm lánh đi để tránh nhầm lẫn. Đỗ Nghê/ Đỗ Hồng Ngọc vẫn là một đó chứ, dù là viết dưới dạng nào đi nữa bạn không thấy sao? Đỗ Nghê là bút hiệu do ghép họ cha và mẹ đó bạn ạ”.

Vâng! Quả thật sâu sắc và rất dí dỏm ở bút hiệu Đỗ Nghê. Sự trở lại bút hiệu này ở tập Thơ ngắn Đỗ Nghê mới xuất bản do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ liên kết với Công ty TNHH MTV Sách Phương Nam xuất bản số lượng lớn so với mặt bằng xuất bản thơ hiện nay khiến tôi có ấn tượng và đọc liền kể từ phút nhận sách.

Thơ ngắn Đỗ Nghê dày gần 100 trang, in trên giấy tốt, trình bày đẹp từ trong ra ngoài. Điều đáng nói là thơ ngắn nhưng suy nghĩ thì rộng, cảm xúc thì dồi dào, cách nói thì giàu hình tượng đúng như bút hiệu Đỗ Nghê mà Đỗ Hồng Ngọc đã chọn.

Rất tiếc do khuôn khổ bài viết có hạn tôi không thể nói hết tất cả những bài thơ ngắn trong tập sách này mà chỉ nói tới 2 bài làm nên điểm nhấn của tập sách là bài Sóng và Nước.

“Sóng/ Quằn quại/ Thét gào/ Không nhớ/ Mình/ Là nước”; còn với Nước: …Ai người nỡ hỏi/ Nước đến từ đâu?/ Ai người nỡ hỏi/ Nước trôi về đâu?...

Tôi thích lối so sánh giữa sóng nước với con người như con người với đất nước. Một lối so sánh cho ta nghĩ tới sự nhiễu nhương lúc này, đó chính là cái tốt, cái xấu; cái đúng, cái sai ta thấy trên báo chí cũng như trên mạng xã hội; và cũng hơn lúc nào hết, lúc này là lúc trách nhiệm công dân phải được nâng cao để gỡ rối mọi vấn đề… “Sóng quằn quại thét gào, không nhớ mình là nước”… và “Ai người nỡ hỏi nước trôi về đâu?”

Quả là bút danh Đỗ Nghê mà nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc chọn lựa nó vừa thâm thúy vừa dí dỏm; cũng không phải ngẫu nhiên anh đã in thêm bài Nước ở bìa 3 cuốn sách.

Trần Duy Lý



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đến với tập Thơ ngắn Đỗ Nghê