Theo dõi trên

“La Gi - Đất xưa diện hải bối lâm”: Tập sách đáng đọc và lưu giữ

19/10/2017, 09:24

BT- Ngoài viết văn, viết báo và làm thơ, Phan Chính còn là một nhà nghiên cứu địa danh khá sắc sảo và đầy tâm huyết với vùng đất Bình Thuận nói chung và Hàm Tân- La Gi nói riêng. Bạn bè, anh em thân thiết vẫn thường gọi anh là nhà “Bình Tuy học”, hoặc “Hàm Tân học”, quả không ngoa. Trung tuần tháng 10 này, tập sách “La Gi - Đất xưa diện hải bối lâm” của anh được ra mắt độc giả bởi Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam.

Trước tập sách này, Phan Chính đã xuất bản một số cuốn như “Hàm Tân - chuyện thửa đầu” (bút ký- 1988), “Giọt sương” (tập thơ- 1993), “Giữa truông đời” (thơ- 1997), “Biển trắng như lòng ta thức đợi” (tập thơ- 2006), “Huyền thoại xứ biển” (sưu khảo, bút ký- 2007), “Đất xưa Bình Thuận” (sưu khảo, bút ký- 2014), “Bảng lảng gió giêng” (tập thơ- 2016). Ngoài ra anh còn có nhiều tập sách in chung với các tác giả khác.

 Phan Chính khá tâm huyết khi xuất bản cuốn “La Gi- Đất xưa diện hải bối lâm”. Anh tự sự ở lời nói đầu tập sách: “La Gi là một địa danh khá lạ, từ cách viết cách đọc, nhưng đã xuất hiện khoảng giữa thế kỷ 19 trên bản đồ tỉnh Bình Thuận bằng chữ Hán và theo ghi chép của Quốc sử quán nhà Nguyễn (1802-1845). Dù có quãng thời gian dài, địa danh La Gi ít được nhắc đến trong hệ thống hành chính của Bình Thuận kể từ khi trở thành tỉnh (1832), nhưng luôn thấm đẫm trong tình cảm, đời sống xã hội, gắn liền với quá trình lịch sử khai phá đất hoang, phát triển cư dân và có một vị trí nhất định ở vùng đất phía Nam Bình Thuận. Việc đi tìm lại những cơ sở qua ngữ liệu - địa danh xa xưa sẽ không dễ dàng gì để có sức thuyết phục về mặt khoa học. Nhưng từ những dấu tích một thời và bằng sự góp nhặt tản mạn có thể một phần nào để hình dung được vùng đất La Gi đã trải dài chặng đường trên trăm năm với biết bao sinh động…”.

“La Gi- Đất xưa diện hải bối lâm” là một tập hợp gần 30 bài viết theo thể loại ký sự, nghiên cứu, khảo cứu về các địa danh, văn hóa, lịch sử hình thành và phát triển vùng đất phía Nam của tỉnh Bình Thuận. Phan Chính đã tốn khá nhiều thời gian, sức lực để khảo cứu, sưu tra, giải đáp cho bạn đọc nhiều điều thú vị về vùng đất này. Chẳng hạn vì sao có tên gọi La Gi, đọc và viết địa danh này như thế nào cho đúng (bài Âm và ngữ nghĩa về địa danh La Gi). Vì sao có tên diện hải bối lâm, Phan Chính đã giúp chúng ta lược ghi lại lịch sử hình thành Hàm Tân - La Gi (các bài: Lai lịch một vùng đất, La Gi đất của người tứ xứ). Anh cũng đã quan tâm nhiều đến việc khảo cứu và ghi lại các tập tục văn hóa, tập quán nghề nghiệp, đời sống xã hội của cư dân vùng đất này (các bài: Một thời Các Lái ghe bầu, Trường lớp ngày xưa, Chuyện xưa mùa lễ hội…). Qua nhiều năm nghiên cứu, khảo cứu, và với cả cuộc đời cộng sinh, sống tâm huyết với vùng đất này nên Phan Chính đã đúc kết được đặc trưng tích cách con người ở đây:

“Có lẽ người La Gi đã chắt lọc, tập hợp những đức tính, lối sống có giá trị nhân văn của dân nhập cư khắp các vùng miền và thừa hưởng một môi trường thiên nhiên hào phóng nên có tính hào hiệp, thương người, cởi mở, cả tin, không so đo hơn thiệt, coi trọng thủy chung… Bản sắc văn hóa, tính cách con người La Gi ngày xưa thường biểu lộ niềm tự hào truyền thống “Ngũ Quảng lưu dân”, thì nay không còn ảnh hưởng lớn đến cộng đồng xã hội nữa, bởi qua các thời kỳ cư dân tứ xứ đến đây với thái độ chọn lựa “đất lành chim đậu”, thật sự đã dung hợp được một diện mạo mới của La Gi, bổ sung cho nhau từ những giá trị tính cách vùng miền. Đó là đặc trưng văn hóa của một La Gi ngày nay, hội nhập và sinh động” (bài Đặc trưng tính cách con người La Gi).

Với “Huyền thoại xứ biển”, “Đất xưa Bình Thuận” và “La Gi- Đất xưa diện hải bối lâm” là bộ 3 cuốn sách không thể thiếu đối với những người yêu quý vùng đất Hàm Tân- La Gi, là tư liệu hay cho những người ưa thích nghiên cứu, khảo cứu địa danh, tìm hiểu lịch sử văn hóa vùng đất “diện hải bối lâm” này.

HuỲnh Thanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“La Gi - Đất xưa diện hải bối lâm”: Tập sách đáng đọc và lưu giữ