Người Bình Thuận xưa được thờ ở
Người Bình Thuận xưa được thờ ở Văn miếu Trấn Biên
Vài nét về văn
miếu và Văn miếu Trấn Biên
BT- Văn Thánh miếu, gọi
tắt là Văn Thánh, Văn miếu (文
廟),
là nơi thờ vị “thánh văn”, được hậu thế tôn vinh “Vạn thế sư biểu” (người thầy
của muôn đời): Khổng Tử. Trong một vài từ điển tiếng Việt, văn miếu được giải
thích là miếu thờ đức Khổng Tử ở tỉnh và các nhân vật tiêu biểu về văn hóa, giáo
dục trong vùng.
Văn miếu được xây dựng
đầu tiên ở nước ta vào năm 1070, đời vua Lý Thánh Tông. Trải qua hơn 700 năm,
khi mở cõi phương Nam, các vua chúa triều Nguyễn cho xây dựng văn miếu tại kinh
đô Huế và các vùng đất học nổi tiếng trong cả nước. Chỉ riêng xứ Đàng Trong, tức
từ Huế trở vào Nam bộ, theo thời gian, văn miếu các vùng, tỉnh được xây dựng
như: Văn miếu Trấn Biên (1715), Văn miếu Huế(1) (1808), Văn miếu Vĩnh Long(2)
(1864)… Theo Đại Nam nhất thống chí, Văn miếu Bình Thuận, còn gọi là Văn miếu
Khải Từ, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (Bính Tuất 1826) ở phía Tây tỉnh
thành, địa phận 2 thôn Bình Thủy, Lạc Sơn (nay thuộc huyện Bắc Bình, nhưng rất
đáng tiếc không còn dấu vết xưa nào lưu lại).
Văn miếu Trấn Biên - văn
miếu đầu tiên ở phương Nam do Chúa Nguyễn Phúc Chu cử Trấn thủ dinh Trấn Biên
Nguyễn Phàn Long và Ký lục Phạm Khánh Đức khởi công. Đây là sự nối tiếp Văn miếu
Thăng Long; là nơi hội tụ tinh thần hiếu học, giá trị văn hóa của vùng đất Nam
bộ, nhằm bảo tồn, phát huy và tôn vinh giá trị văn hóa, giáo dục của dân tộc
Việt Nam. Năm 1861, Pháp xâm lược miền Đông Nam kỳ, tàn phá các văn miếu, trong
đó có Văn miếu Trấn Biên, thực hiện chính sách ngu dân, hòng tiêu diệt tinh thần
yêu nước của các sĩ phu Nam kỳ. Tuy bị san bằng trên thực địa, nhưng qua các bộ
sử như: Gia Định thành thông chí (Thông chí) của Trịnh Hoài Đức, Đại Nam nhất
thống chí (Nhất thống chí) của Quốc sử Quán triều Nguyễn, đã giúp hậu thế hình
dung hình dáng, kết cấu công trình văn hóa này.
Người Bình Thuận
xưa được thờ ở Văn miếu Trấn Biên
BT- Dựa vào thư tịch cổ, tỉnh Đồng
Nai đã phục dựng lại Văn miếu Trấn Biên trên chính khu đất xưa rộng 2 ha, với
nhiều công trình. Nhà bái đường được thiết kế theo kiểu 3 gian, 2 chái, là nơi
thờ tự các vị danh nhân Việt Nam.
Gian trung tâm thờ Chủ tịch Hồ Chí
Minh, nhà tư tưởng lớn của thời đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn
hóa thế giới. Gian bên trái thờ các danh nhân: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn
Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du.
Gian bên phải thờ các nhân vật xuất
thân vùng đất phương Nam: Võ Trường Toản, Đặng Đức Thuật, Gia Định tam gia
(Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định), Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Đình
Chiểu; trong đó, Đặng Đức Thuật là người Bình Thuận.
 |
Nhà Bái đường Văn miếu Trấn Biên. |
Theo sách 290 năm Văn miếu Trấn
Biên, cụ Đặng Đức Thuật là danh nhân văn hóa nổi tiếng đất phương Nam, là “thầy
của các bậc thầy” nhưng ngoài Đại Nam liệt truyện Tiền biên (Tiền biên) của Quốc
sử Quán triều Nguyễn thì không còn thư tịch cổ nào ghi chép về cụ. Tiền biên
chép rằng, “Đặng Đức Thuật tự là Cửu Tư, không biết người xứ sở nào. Lúc trẻ
tuổi Đức Thuật thông minh, học rộng, thơ hay, lại càng trội về sử. Trước kia
tránh “loạn” Tây Sơn, làm nhà ở trong núi An Phước thuộc Bình Thuận, ở ẩn dạy
học. Người học gọi là Đặng gia sử phái. Thế tổ Cao Hoàng đế, năm thứ 9 Mậu Thân
(1788), lấy lại được Định (tức Gia Định - TG), Đức Thuật đến yết kiến. Thấy là
bậc lão thành, túc học, vua yêu và trọng, cho làm Hàn lâm viện Thị giảng Gián
nghị. Thuật tính ngay thẳng, ngang bướng, gặp việc dám nói. Thấy hình phạt đánh
roi nặng quá, xin trừ bỏ đi. Vua không nghe. Thuật nói lắp, ra nói với mọi người
rằng: “nói không chịu nghe thì gián gián nghị nghị làm gì”. Bèn bỏ quan mà đi.
Vua sai Giám quân Tống Phúc Đạm đuổi theo, mời về. Sau theo đi đánh giặc, chết ở
dọc đường. Trước kia Thuật ở Gia Định, lũ Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Lê
Quang Định và Nguyễn Hương (cũng là người Bình Thuận, làm chức Hàn lâm viện thị
thư dưới triều Nguyễn - TG) nghe tiếng ông thơ hay đều đến tôn làm thầy. Sự học
làm thơ ở Gia Định thịnh lên là bắt đầu từ đấy”.
Quá trình tìm kiếm tư liệu, ngoài
Tiền biên, còn có Nhất thống chí, phần nhân vật chí Bình Thuận chép về cụ. “Đặng
Đức Thuật, không rõ quê quán, ngụ ở huyện Yên Phước dạy học trò. Năm Mậu Thân
đời đầu trung hưng đại binh thu phục Gia Định, Thuật cầm gậy đến yết kiến, được
trao chức giám nghị. Thuật tính thẳng thắn, gặp việc dám nói, vua thường ưu đãi.
Sau tòng chinh chết ở giữa đường; khi Thuật ở Gia Định, bọn Trịnh Hoài Đức, Ngô
Nhân Tĩnh, Lê Quang Định và Nguyễn Hương nghe tiếng về thơ, đều thờ làm thầy,
thi học ở Gia Định thịnh lên là bắt đầu từ đấy”.
 |
Tượng cụ Đặng Đức Thuật trong vườn tượng
danh nhân Văn miếu Trấn Biên. |
Ngoài ra, Từ điển nhân vật lịch sử
Việt Nam (Từ điển) của Nguyễn Q. Thắng, cũng viết về cụ. “Đặng Đức Thuật, danh
thần, tự Cửu Tư, ông thông sử học, được học giả đương thời xưng tặng là “Đặng
gia sử phái”. Khi Tây Sơn dấy binh, ông cất nhà tại Phước Sơn, thuộc tỉnh Bình
Thuận ở ẩn. Năm Mậu Thân 1788, ông vào Gia Định gặp Nguyễn Ánh, được dùng làm
gián nghị, thị giảng Viện Hàn lâm. Tính ông cương trực, một khi can gián mà chúa
Nguyễn không nghe, ông nói: “Lời nói không công hiệu, thế thì gián nghị nổi gì”.
Bèn bỏ ra đi, chúa Nguyễn phải cho người theo triệu hồi, ông mới trở lại phục
vụ. Sau, ông mất trong quân, được truy tặng Thượng thư, Thị giảng học sĩ”.
Khi cụ Đặng Đức Thuật mất, Trịnh
Hoài Đức làm bài thơ Khốc Đặng Cửu Tư tiên sinh (Khóc Đặng Cửu Tư tiên sinh):
“Tử Mỹ sinh bình lũy khảm kha/ Hữu tài vô mệnh nại chi hà/ Tuyền đài đàn trúc
đăng văn bá/ Chiên tọa phong xuy khấp tửu ma/ Chương sớ dĩ thù đương thế vọng/
Thi thư tằng chính hậu nhân ngoa/ Quy sơn bất tận tình trung khúc/ Dạ dạ phần
tiền khởi nộ ba”. (Dịch nghĩa: Tử Mỹ(3) bình sinh nhiều phen trắc trở/ Có tài mà
mệnh không ra gì, biết làm sao/ Dưới suối vàng, đàn dựng ông đáng lên ngôi văn
bá/ Đệm bằng lòng ngồi, gió thổi khóc ma rượu/ Bản sớ dâng đã đáp ứng được lòng
trông đợi của người đời/ Thi thư từng đính chính lại sai lầm của người đời sau/
Về núi nhưng khúc nhạc tình cảm vẫn không dứt/ Đêm đêm trước mộ còn dấy lên làn
sóng giận dữ). Cuối bài thơ, Trịnh Hoài Đức chú thích: “Hồi mới trung hưng, tiên
sinh dâng Trung hưng thập sách, được chiếu bổ dụng chức Nội các học sĩ, nhưng
trái ý với người đương quyền, lui về làm bài Quy sơn thập vịnh, lấy thơ rượu làm
vui. Ông mất, mộ táng ở bờ biển trấn thành Bình Thuận”.
Về quê quán cụ
Đặng Đức Thuật
Qua 3 tư liệu trích dẫn cho thấy
thông tin về quê quán cụ Đặng Đức Thuật còn mơ hồ. Đó là, không biết người xứ sở
nào (Tiền biên), không rõ quê quán (Nhất thống chí) hoặc không nói đến quê quán
(Từ điển); chỉ biết cụ sống ẩn cư, dạy học tại vùng đất thuộc tỉnh Bình Thuận:
núi An Phước (Tiền biên), huyện Yên Phước (Nhất thống chí), Phước Sơn (Từ điển).
Riêng chú thích bài thơ Khóc Đặng Cửu Tư tiên sinh của Trịnh Hoài Đức cho biết,
khi cụ mất, mộ chôn ở bờ biển trấn thành Bình Thuận.
Như vậy, có 3 địa danh liên quan đến
nơi tiền nhân ở ẩn: An Phước, Yên Phước và Phước Sơn. 3 địa danh này cùng là
một, hay khác nhau?. Khi xưa thuộc tỉnh Bình Thuận, nhưng hiện nay thuộc nơi
nào?.
Tra cứu Đồng Khánh Địa dư chí, Nhất
thống chí thì Yên Phước là một huyện thuộc phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận. Nhất
thống chí chép, “huyện Yên Phước, phía đông đến biển, giáp địa giới huyện Vĩnh
Xương, tỉnh Khánh Hòa, phía tây đến địa giới huyện Tuy Phong, phía nam đến biển,
phía bắc đến địa giới huyện Vĩnh Xương...”. Còn tên An Phước là do húy kỵ từ Yên
mà đọc thành An; và tên Phước Sơn có thể do Từ điển biên soạn ở thế kỷ XX, nên
tác giả viết theo địa danh hiện nay cho dễ hiểu. Huyện Yên Phước, phủ Ninh
Thuận, tỉnh Bình Thuận xưa gần tương ứng với huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận
hiện nay.
Vĩ thanh
Cụ Đặng Đức Thuật không rõ quê quán,
sống tại vùng núi Yên Phước, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận xưa (nay là huyện
Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Khi cụ mất, mộ phần táng tại bờ biển trấn thành
Bình Thuận. Tác phẩm của cụ gồm Trung Hưng thập sách, Quy sơn thập vịnh (rất
tiếc đến nay giới nghiên cứu chưa sưu tầm được). Cụ là một nhân tài xuất chúng,
được các văn nhân, danh sĩ cùng thời như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang
Định, Nguyễn Hương suy tôn làm thầy. Đó là niềm tự hào của vùng đất Bình Thuận
xưa, Bình Thuận và Ninh Thuận hôm nay. Thiết nghĩ, cụ Đặng Đức Thuật xứng đáng
được đặt tên cho đường phố, hoặc ngôi trường tại Bình Thuận, Ninh Thuận.
Hà Ngân
(1): Văn miếu
và Quốc Tử giám của triều Nguyễn. (2): Do đốc học Nguyễn Thông và Kinh lược sứ
Nam kỳ Phan Thanh Giản chủ trương xây dựng, trước khi tỵ địa ra Bình Thuận. (3):
Tên tự của Đỗ Phủ, nhà thơ lớn thời kỳ nhà Đường (Trung Quốc).