Theo dõi trên

Nhà văn, nhà thơ và chút ráng đỏ buổi chiều...

27/07/2018, 15:51

BT- Nhà văn, nhà thơ, chính xác là danh xưng mà mọi người dành tặng cho những người viết chuyên nghiệp, sáng tác văn xuôi và thơ. Để trở thành “nhà văn, nhà thơ” người viết cũng phải “trần ai, khoai củ” bên cạnh tài năng và bút lực để được mọi người thừa nhận là nhà văn, nhà thơ. Nhà văn, nhà thơ không phải tự mình, tự xưng là được...

Từ ngày có mạng Internet với các trang web, blogs, facebook... rất nhiều người từ nam, phụ, lão, ấu, đàn ông, đàn bà, con gái, con trai đều có khả năng chọn cho mình một nơi chốn để... chơi, xả stress, giao lưu, tâm sự và cả đủ mọi khả năng để thi thố, cầm kỳ, thi, họa với người thân, bạn bè và cũng để “seo-phì” (selfie, nói nôm na là “tự sướng”) bản thân trong những lúc rảnh rỗi. Trong đó, thứ mọi người thường hay chọn là... viết. Một đoạn văn ngắn, tâm sự hay tự thán, vài ba câu văn vần, có vần điệu... và hầu hết người viết là chủ nhân của những trang web, blogs, facebook, đều được bạn bè vào comment tán thưởng, động viên. Dĩ nhiên mọi người đều... khen và nhanh chóng gán cho các danh xưng “nhà văn, nhà thơ” một cách nhanh chóng và dễ dàng? Lâu dần trở thành “ngộ nhận” rồi thì cố gắng để in được sách, quyết trở thành hội viên của hội nọ, hội kia. Có người nói vui: “Việt Nam là cường quốc của thơ ca”, “Việt Nam ra ngõ gặp nhà thơ” để rồi “người người làm thơ, nhà nhà làm thơ” thật hoành tráng và đông vui!

Nhà văn, nhà thơ thì cũng một đời người! Có người lưu danh cho hậu thế, bước vào ngôi đền Văn học sử nước nhà, hoặc cả thế giới, vô cùng vinh quang, song cũng có người... bặt vô âm tín, tan biến vào hư vô, không hề được ai nhớ và nhắc nhở?

Mà đời người thì cũng giống như bóng nắng qua thềm. Ấm áp lúc ban mai, rực rỡ, nóng nôi vào buổi trưa. Buổi chiều hoàng hôn, thêm chút ráng đỏ, chút nắng quái, nồng nàn, gay gắt rồi chìm dần vào đêm tối, và nắng cuối ngày không thể là sao, càng không thể là trăng nên không ghi được gì trên bầu trời đêm đen sẫm...

Mọi so sánh đều là khập khiểng. Song nếu so sánh nhà văn, nhà thơ cũng giống như chút nắng đỏ buổi chiều, gieo những áng văn, áng thơ long lanh, lấp lánh vào lòng người, với những nồng nàn vốn có. Những ước mơ và liên tưởng về buổi sáng, buổi trưa rồi buổi tối? Đời người vào tuổi trung niên, áp với hoàng hôn của cuộc đời cũng thế. Chút băn khoăn, nuối tiếc. Sót lại những mảng mơ chưa thực hiện nên dễ đa sầu, đa cảm và đó cũng là một trong những thuộc tính của văn chương. Thế cho nên con người muốn tìm đến văn chương, dùng văn chương để đi tiếp quãng đời còn lại, nên xu thế chọn viết văn, làm thơ để giao lưu và trang trải nỗi lòng. Xưa nay đều vậy! Nhưng để trở thành “nhà văn, nhà thơ” trong chốc lát, nôn nóng khẳng định mình trong khi bút lực và kinh nghiệm viết hạn chế. Một số người vụng suy lại chọn con đường... “đạo văn, đạo thơ”, dựa vào câu văn, bài thơ của người đi trước, hay có sẵn trên báo, trên mạng. Thay đổi một vài từ, sửa lại dấu câu, nhân vật rồi ngang nhiên đề tên mình và post lên mạng, hay gửi cho các báo đăng. Đối với những bài thơ tên tuổi, đã có tiếng tăm, mọi người dễ dàng phát hiện. Nhưng với những tác phẩm “làng nhàng”, hoặc kha khá, ít người có thể nhận ra hay phát hiện. Ngoại trừ chính tác giả bị “cầm nhầm” tình cờ phát hiện “tri hô” lên thì mọi người mới biết! Ngỡ ngàng, xấu hổ, thân bại danh liệt như bóng nắng chợt tàn bởi màn đêm vừa ập xuống. Chút ráng đỏ mỏng manh, yếu ớt. Tím bầm rồi đen kịt. Cuộc sống vì thế mà... mất hết niềm vui vào cuối ngày. Nhất là đối với người có chút công danh, địa vị, hay chút chữ nghĩa trong đời!

Nhà văn, nhà thơ chẳng mang lại chút lợi lộc nào nhiều cho bản thân. Chẳng biệt phủ, lâu đài, thậm chí là “nhà nghèo” rất nghèo, chỉ có chút danh tùy tài năng và tác phẩm của từng người, có thể được xã hội và mọi người có chút trọng vọng, nể vì. Nhưng cái ấm áp, nồng nàn lan tỏa, có đến với mọi người nhiều ít vẫn là tài năng, đức độ. Không thể mua được bằng tiền, và cũng không thể gầy dựng được bằng sự xu nịnh, bốc thơm của một số người rồi ảo tưởng và ngộ nhận.

Ai cũng có những giây phút... lỡ lầm. Nhưng nguy hại nhất, ảnh hưởng thanh danh nhiều nhất cho cá nhân, thậm chí là gia đình, gia tộc chính là đạo văn, ăn cắp và cầm nhầm văn chương của người khác. Hãy để đám ráng mây, nắng quái của cuộc đời và của cả văn chương cứ lung linh hư ảo và nhập vào không gian như quy luật vốn có. Làm sao có thể may áo, chiếc áo thật đẹp bằng ráng mây cho chính mình, khi mà mình chưa xứng đáng? Nhà văn, nhà thơ... hãy cứ để đó mà chiêm ngưỡng, chiêm nghiệm nhưng đừng vội vàng nhận quàng khi bút và tâm chưa xứng tầm trong thực tế...  

TRẦN HOÀNG VY



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà văn, nhà thơ và chút ráng đỏ buổi chiều...