BT- Tôi sinh ra ở một vùng quê yên lành, vì thế tuổi thơ của tôi gắn liền với những cánh đồng, dòng sông lững lờ trôi êm đềm theo năm tháng. Tôi lớn lên với những phong tục tập quán đã có từ rất lâu đời của người dân Việt Nam và nó đã ăn sâu vào ký ức tôi, đó là: “tôn sư trọng đạo”; “tình làng nghĩa xóm”; là: “tam tòng tứ đức, là quân, sư, phụ…”. Quê hương có tiếng gà gáy buổi sáng bình minh báo cho nông dân thức dậy ra đồng, học sinh không cần đồng hồ cũng biết giờ đến trường. Về đến quê sau tết, những ngày tháng 3 các đám mây mùa xuân lẳng lặng trôi chuyển mình sang hạ, làm cho ánh nắng trên bầu trời ngày càng gay gắt thêm, những cành cây khi đông tàn khô trụi lá đang vươn mình đâm chồi nảy lộc. Chỉ là một làng quê thôi, một ngôi làng hiền lành nằm yên bình dưới những tán cây xanh, làng xóm được bao quanh bởi những cánh đồng. Chỉ có thế thôi, cùng với những lời ru ngọt ngào của...

Với tôi, mới đó mà ngót đã mấy chục năm trời rời quê hương lên chốn thị thành; nên đôi lúc nhớ quê đến nỗi thèm vô hạn. Nhớ quê là nhớ về những ký ức ngày xưa, rồi tìm về trong sự thèm thuồng khao khát. Nhưng năm nay, trước và sau Tếtnguyên đán đại dịch Covid–19 tái bùng phát, với phương châm phòng chống dịch “ai ở đâu, thì ở yên đó”, vì thế muốn về quê thì cũng phải gác lại, đợi lúc thích hợp, nên trong lòng cứ bồn chồn thao thức.

Nhớ nhất là tiết trời tháng giêng, cái nắng, cái gió khắc khoải ở miền quê làm cho con người ta bâng khuâng nhớ lại thời thơ ấu, cùng với lũ bạn tung tăng đến trường, những buổi nghỉ học cùng nhau chăn trâu, bắt dế, đá cỏ gà, tắm những giọt nước mát lạnh ở giếng quê. Nhớ quê là nhớ những bữa cơm chiều, cả nhà quây quần bên chái bếp. Mới ra giêng, nên còn một ít măng kho thịt, cuộn với bánh tráng và cơm nguội đã làm thỏa mãn tấm lòng người con xa quê hương mà tết chưa được về thăm mẹ. Với tôi, quê hương là đất, là người, là nơi dòng sông bồi đắp từng giọt phù sa, là công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy nuôi ta khôn lớn nên người. Quê hương còn là cội nguồn, là tổ tiên là nơi có mồ mã ông bà bao đời đã nằm lại ở đó… là nơi bình yên nhất mà tôi luôn hướng về trong những lúc bộn bề lo toan của cuộc sống.

Ngồi trong ngôi nhà nhỏ của cha mẹ đã từng quen thuộc với những bước chân của một thời thơ ấu vào những ngày cuối tháng giêng, mà sao tôi lại thấy vừa lạ, vừa quen; vừa gần gũi thân thương, nhưng cũng thấy xa lạ đến nao lòng. Rồi không biết những đứa con của tôi sau này có hiểu được những nhọc nhằn nơi đây. Nơi ông bà nội nó gặp nhau rồi lấy nhau, nơi tôi và các anh chị em lớn lên với hết thảy những điều giản đơn mà thấm đượm xiết bao tình làng nghĩa xóm. Chúng nó sẽ như những người khách vãng lai qua đây, nhìn ruộng đồng, con kênh như cái gì đó thật lạ lẫm. Chúng nó sẽ không thể hiểu được rằng nơi này dù nghèo khổ, thì cũng là một phần máu thịt chảy trong mỗi con người chúng nó. Như dòng máu đã ăn sâu trong tủy suốt bao đời qua.

Sáng sớm, bầu trời còn mịt mù bởi màn sương phủ dày đặc. Mấy con gà trống gáy o o bên kia bụi tre, mấy người nông dân đã sớm vác cây cuốc ra đồng xới đất lên cho mùa sau. Con người nơi đây làm quần quật quanh năm suốt tháng thế mà sao cái nghèo vẫn cứ bám theo dai dẳng, chưa bao giờ rời đi? Tâm hồn tôi đã thực sự trở về với một thời ở nơi này, mảnh đất này, là nơi nuôi dưỡng tuổi thơ cùng những ký ức trong tôi. Vì thế, tôi luôn nghĩ rằng:khi nào còn có thể tôi vẫn muốn được cùng sống chết với nó. Quê hương không phải là một từ thiêng liêng được gọi tên, mà nó vốn thiêng liêng nên khi thốt lên hay nghĩ về người ta sẽ thấy lòng mình bình yên đến lạ.

Đỗ Văn Cường



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Chủ tịch UBND tỉnh thăm thân nhân, chiến sĩ Điện Biên
BTO-Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), chiều ngày 26/4, đồng chí Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ, thân nhân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành và huyện Hàm Thuận Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ quê