Theo dõi trên

Thưởng thức nghệ thuật Hàn Quốc, nhớ nghệ thuật truyền thống Việt Nam

03/02/2017, 09:20

BT- Từ lâu, tôi biết Hàn Quốc khá nổi tiếng với phim ảnh, âm nhạc, thời trang, mỹ phẩm và công nghệ thẩm mỹ…

Nhưng, đến với xứ sở Kim Chi này, tôi có thêm cảm nhận về nghệ thuật đường phố, nghệ thuật sân khấu của Hàn Quốc cũng thật ấn tượng.

                
Màn biểu diễn múa Samulnori.

Không gian xanh ở trung tâm thành phố

Theo tour du lịch Hàn Quốc, tôi không thích vào nơi mua bán mà cùng vợ con của mình lang thang ra Quảng trường Gwanghwamun, được hướng dẫn viên giới thiệu là quảng trường đẹp nhất ở thủ đô Seoul với bức tượng của vua Sejong, tướng Lee Sun Shin. Được biết, với quy mô rộng 34m, dài 557m, Quảng trường Gwanghwamun đã trở thành một không gian xanh ở trung tâm thành phố, ôm giữ những câu chuyện lịch sử của Seoul. Tôi đứng lặng nhìn bức tượng đồng vua Sejong cao 6,2m, bề ngang 4,3m đặt trên bệ cao 4,2m. Sejong là một vị vua tiêu biểu trong 27 vị vua của triều Joseon, người sáng tạo ra chữ Hàn - Hangeul và đóng góp nhiều vào việc xây dựng bản sắc dân tộc. Ngoài ra, trên quảng trường này còn có bức tượng của Đô đốc Trung Vũ Công Lee Sun-shin được dựng lên năm 1968 với dáng vẻ oai nghiêm, lẫm liệt. Trung Vũ Công Lee Sun-shin là danh tướng tài ba, tiêu biểu của thời Joseon. Tượng cao 6,5m với hình tướng quân tay phải cầm kiếm, dưới chân là chiếc thuyền rùa Geobukseon. Ngay dưới chân tượng hiện là một hệ thống đài phun nước với những tia nước trào lên mát mẻ.

Đặc biệt hơn, đến lúc này ở quảng trường vẫn có nhiều người đứng lặng im trước những lều bạt để tưởng niệm những nạn nhân đã mất trong vụ chìm phà khủng khiếp ngày 16/4/2014, làm trên 300 người thiệt mạng, đa số là học sinh và thầy cô giáo.

Nông nhạc truyền thống Hàn Quốc

Chúng tôi chợt thấy, phía trước tượng vua Seiong, có đám đông và khi bước đến mới biết mình thật may mắn vì được thưởng thức trọn một màn biểu diễn Samulnori - Nông nhạc truyền thống Hàn Quốc. Được biết, Samulnori là bộ nhạc khí gõ của người nông dân, thường được chơi lúc nghỉ ngơi trong những ngày đồng áng hoặc trong những dịp lễ hội vui chơi của làng xóm. Chính vì thế mà mỗi một loại nhạc cụ gõ lại có một ý nghĩa tượng trưng riêng cho thời tiết khí hậu. Ví như phèng Kkwaenggwari tượng trưng cho sấm, chiêng Jing tượng trưng cho gió, trống Buk tượng trưng cho mây, còn trống phong yêu Janggu thì tượng trưng cho mưa. Điều hòa sấm gió mây mưa là thứ mà nhà nông cần để làm nên một vụ mùa bội thu. Hòa tấu Samulnori cũng là ý cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa và được mùa cày cấy của người nông dân Hàn Quốc. Chúng tôi vừa nghe, vừa xem các nhạc công, đồng thời là các diễn viên trong trang phục truyền thống vừa đánh trống vừa xoay đầu có gắn các dải lụa dài uốn lượn trên không; có lúc các diễn viên nhảy lộn vòng, tản ra, chụm lại theo nhịp điệu của trống, chiêng… thật đặc sắc. Nghe hướng dẫn viên nói, Hàn Quốc rất chú trọng việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nên rất nhiều trường học của Hàn Quốc và ở từng địa phương đều có những đội, nhóm biểu diễn Samulnori. Chi phí trang phục, nhạc cụ, luyện tập của các đội, nhóm này đều được sự hỗ trợ của Chính phủ.

Và chương trình nghệ thuật không lời

Đêm đến, chúng tôi lại được thưởng thức một loại hình văn hóa cực kỳ hấp dẫn trong một nhà hát có đến 1.000 chỗ ngồi, kín mít khán giả, mà nhìn trang phục, nghe họ nói chuyện chúng tôi biết đa số là khách nước ngoài. Đó là Nanta show, một loại hình nghệ thuật biểu diễn không lời với những tiết tấu cuồng nhiệt để kịch hóa bộ gõ truyền thống của Hàn Quốc trong một chương trình sân khấu hài đầy ấn tượng. Đặc biệt, bữa tiệc âm nhạc được những vị đầu bếp trổ tài “nấu nướng” bằng bất cứ thứ gì phát ra âm thanh, từ xoong, nồi, chảo, đĩa, dao, thớt, chai nước, thậm chí đến cả chổi cũng trở thành đạo cụ của bộ gõ. Chúng tôi, hay nói đúng hơn cả nhà hát lúc này đều lặng im theo dõi những người biểu diễn đi tới, đi lui, nhảy múa khi nấu nướng và gõ lên những tiết tấu mang sắc thái từ hài hước, vui vẻ đến những hờn giận bông đùa. Các nghệ sĩ – đầu bếp đã tạo nên sự vui nhộn qua âm thanh khiến cho khán giả khó có thể cưỡng lại sự cám dỗ mời mọc cùng tham gia tương tác với diễn viên bằng những tràng vỗ tay…

Những màn trình diễn nghệ thuật nấu nướng và nhào lộn ảo thuật đặc sắc cùng những tình tiết gây cười hóm hỉnh khiến chúng tôi không thể rời mắt. Bên cạnh đó, âm nhạc tạo ra từ các "nhạc cụ" như dao, thớt, muỗng, đồ đánh trứng, thau, nồi, chảo… kết hợp tạo nên giai điệu của âm nhạc dân gian Hàn Quốc lạ mắt, hấp dẫn.

Cho dù, 5 diễn viên (1 nữ, 4 nam) rất ít nói, chỉ bật lên một vài tiếng hô như một màn kịch câm và đa số du khách là người nước ngoài, nhưng xem họ diễn, mọi người có thể mường tượng hiểu ra Nanta show đang kể về câu chuyện 3 người đầu bếp… cố gắng để hoàn thành tiệc cưới trong một thời gian "siêu" ngắn, trong khi đó quản lý lại cài đặt người cháu mới học việc, chưa giỏi mà muốn làm bếp chính và nhóm đã dạy cho anh ta muốn làm đầu bếp giỏi phải như thế nào.

Từ trái tim đến trái tim

Sau khi kết thúc 90 phút đắm chìm trong những trận cười sảng khoái, chúng tôi cảm nhận được rằng, nghệ thuật đã mang đến cho tất cả mọi người cảm xúc từ trái tim này đến trái tim kia không nhất thiết phải bằng lời nói. Ngôn ngữ lúc này không còn là trở ngại để chúng tôi hiểu thêm về một loại hình nghệ thuật đậm nét văn hóa Hàn Quốc đặc sắc, không phải chỉ có thời trang, mỹ phẩm, phim ảnh và công nghệ thẩm mỹ… mà nhạc kịch không lời Nanta show cũng đủ chiêu đãi cho du khách nước ngoài một bữa tiệc linh đình và thịnh soạn đủ để nhớ mãi…

Nhớ cảnh du khách nước ngoài với đủ màu da, sắc tộc say sưa đứng xem, quay phim, chụp hình màn biểu diễn múa Samulnori và hào hứng theo dõi Nanta show, tôi không khỏi nghĩ đến những loại hình văn hóa truyền thống của Việt Nam mình đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại… lâu nay có được quan tâm, đầu tư đúng mức chưa, để bảo tồn và phát triển thành một “địa chỉ” du lịch thu hút du khách quốc tế?

Mai Bửu Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thưởng thức nghệ thuật Hàn Quốc, nhớ nghệ thuật truyền thống Việt Nam