Theo dõi trên

“Xuân vận”-một nét văn hóa

21/12/2018, 09:51

BT- Một đoạn đường ngay giữa phố, đèn hoa rực rỡ, 5 giờ rưỡi sáng rồi mà chỉ vài bóng người. Con hẻm mới tuần trước còn náo nhiệt kẻ mua người bán giờ im bặt. Quán xá thưa thớt khách hẳn đi. Làm như mọi thứ ở đây đã đột ngột ngưng lại. Đột ngột vắng. Đột ngột yên. Tết thành phố đã co cụm lại, kín đáo trong những ngôi nhà tường cao cổng kín. Một người bạn ở thành phố Hồ Chí Minh nói với tôi: Tết ở thành phố bây giờ sao có cảm giác trống huếch trống hoác, người ta về quê hết trơn. Thật vậy, tôi cũng có đôi lần vì công việc gấp mà vào thành phố trong dịp tết nên xác nhận điều bạn nói là đúng. Nếu nhìn ngược lại thì cái cảm giác ấy cũng nói lên một thực tế là dân quê bây giờ lên phố rất đông. Sau ngày đưa ông Táo về trời, 23 tháng chạp, những người dân quê vào phố làm ăn đã gói ghém đồ đạc lên xe về quê. Cả biển người chen chúc ùa ra các cửa ngõ thành phố. Bến xe chật cứng người. Cháy vé. Sân bay chật cứng người. Cháy vé. Ga xe lửa chật kín người. Cháy vé. Cuộc di cư lớn hàng năm...

                
Đường hoa tết tại Sài Gòn.

Ở xứ ta hơn 10 năm trở lại đây, làn sóng người di chuyển từ phố về quê, từ quê ra phố trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán cũng đã trở thành vấn đề lớn không chỉ với các phương tiện di chuyển như máy bay, tàu xe mà nó còn tạo ra sự thay đổi về nhịp sống từ quê đến phố.

Thương lắm những chiếc xe hai bánh đùm túm vợ chồng con cái, túi xách nhỏ, túi xách lớn buộc bó đằng trước, ràng rịt đằng sau!

Thương lắm những gói quà mua sắm được từ tiền dành dụm cả năm, từ mồ hôi nước mắt đợi đến ngày này để mang về cho mẹ, cho cha, cho người thân yêu ruột thịt! Thương lắm cái cảnh chen chúc, xe nhích nhích từng chút một để qua khỏi cái vùng thắt cổ chai của những con lộ về miền Tây, về miền Đông, về miền Trung! Khói xe cay xè mắt. Nắng nung, nắng đổ lửa trên đầu.

Và thương cả những người rớt lại, những người vĩnh viễn nằm lại trên đường cùng với những gói quà tết của mình, do cơn buồn ngủ chợt ập đến, do sơ suất trong thoáng chốc, do đuối sức mất tập trung, do nôn nóng muốn nhanh chóng về được quê nhà, muốn ào vào vòng tay mẹ, vòng tay cha càng nhanh càng tốt… Nhanh một giây chậm cả đời! Câu khẩu hiệu an toàn giao thông quan trọng ấy đã bị bỏ quên trong những phút giây cháy ruột cháy gan vì nhớ nhà.

                
Những chuyến xe đưa sinh viên, công nhân,    người nghèo về quê ăn tết. Ảnh minh họa

Nhà tôi ở ngay mặt tiền quốc lộ 1A, đoạn qua cực Nam Trung bộ  nên năm nào tôi cũng chứng kiến cuộc đi - về gọi là xuân vận Việt ấy của những người con miền Trung. Như một làn sóng, những chiếc honda đùm túm ấy trườn kín hơn nửa mặt đường, chiếc nọ nối chiếc kia, hàng tư hàng năm, lao đi cả ngày cả đêm. Một sức hút lớn lao mang tên Quê nhà đã hút lấy họ! Ánh mắt và cái dáng lom khom ra ngõ trông ngày ngóng đêm của những bà mẹ quê đã hút lấy họ! Cái ấm áp của cảnh gia đình đoàn tụ sau những ngày dài xa cách đã hút lấy họ. Nỗi nhớ thương đã hút lấy họ! Họ trườn lên phía trước không biết mệt mỏi, không sợ hiểm nguy. Những đôi mắt bét ra vì gió ngược, những khuôn mặt phờ phạc vì đường xa, những dáng người còng còng dù ngồi trên xe vẫn lộ ra cái tính chịu thương chịu khó của dân miệt quê sáng trưa chiều tối trườn qua trước nhà tôi. Có cả những đợt người lao về lúc cận tết do làm việc cho công ty nước ngoài chỉ nghỉ được ít ngày. Có cả những đợt người lao về cho kịp giao thừa, hối hả và căng thẳng vì… giờ đó mới có tiền mua bộ quần áo mới cho mẹ, cho em. Những chiếc xe quá tải về đồ đạc ràng rịt trước sau, những chiếc xe quá tải về tình thương yêu gia đình sáng trưa chiều tối trườn qua trước nhà tôi. Tưởng bất tận. Tưởng không dừng được. Cái dải đất miền Trung nắng bụi mưa lầy dài dằng dặc như chiếc đòn gánh ấy đang lấy lại phần hồn của mình, những đứa con thân yêu của gia đình đang trên đường trở về. Đó là xuân vận Việt, một hiện tượng di cư vào những ngày cuối năm và đầu năm âm lịch. Đó là sự biểu lộ rõ nét về tình cảm gia đình, là phần hồn làm phong phú đời sống tình cảm của một xã hội, một cộng đồng.

Xuân vận Việt là một phần văn hóa Việt trong thời hiện đại.

Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Xuân vận”-một nét văn hóa