Theo dõi trên

Di dời các cơ sở thu mua phế liệu: Cần cái “bắt tay” từ ba bên

30/03/2017, 08:51

BT- Từ giữa tháng 11/2016, thành phố Phan Thiết đã rục rịch đôn đốc việc di dời các cơ sở phế liệu ra nội thành và sẽ chấm dứt việc di dời vào cuối năm. Quyết liệt hơn, UBND  thành phố sẽ tiến hành cưỡng chế, đóng cửa những trường hợp cố tình chây ỳ không chấp hành việc di dời đúng theo thời gian quy định. Theo thống  kê, hiện toàn thành phố có khoảng 120 cơ sở thu mua phế liệu, hầu hết các cơ sở này nằm trong khu vực nội thành, khu dân cư đông người. Quá trình hoạt động của các cơ sở thu mua phế liệu đã gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, ảnh hưởng đến cuộc sống của người. Vì vậy việc di dời các cơ sở này ra khỏi khu vực nội thành, khu đông dân cư là điều cần thiết. Tuy nhiên để hiện thực hóa chủ trương này không phải là điều dễ dàng, cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ và quyết liệt của chính quyền và người dân.

                
Một cơ sở thu mua phế liệu nằm trong khu    dân cư thuộc phường Hưng Long.

Thực tế cho thấy, trước chủ trương di dời, một số cơ sở đã nghiêm túc thực hiện bằng cách chủ động chuyển địa điểm kinh doanh sang vị trí phù hợp để không làm ảnh hưởng đến môi trường chung. Tuy nhiên việc di chuyển sang địa điểm mới của các cơ sở này gặp nhiều khó khăn. Bởi địa điểm mới nằm cách xa trung tâm thành phố và là khu vực vắng vẻ, ít người sinh sống. Những người gom phế liệu từ nhà dân phải mất thời gian vận chuyển hàng hóa đi xa để bán hàng, nên sẽ tấp vào những cơ sở nào gần nhất để bán sản phẩm cho tiện. Chính điều đó đã làm một số cơ sở chần chừ trong thực hiện chủ trương di dời của thành phố. Thậm chí một vài cơ sở đã di dời nhưng sau đó do không mua được hàng hóa và thấy nhiều cơ sở chưa di dời thì quay lại địa điểm cũ để tiếp tục kinh doanh.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng “người đi kẻ ở” như hiện tại, UBND thành phố cần quyết liệt hơn, dù biết thời điểm hiện tại thành phố đang có nhiều việc cần phải lo, mà việc nào cũng cần thiết và gấp rút. Trước hết, theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các cơ sở cơ bản đồng thuận với chủ trương chung của thành phố, nhưng đa số lại lúng túng trong việc tìm quỹ đất mới để đặt cơ sở mới sao cho thuận tiện. Bởi theo thống kê, trong số 120 cơ sở đang hoạt động tại Phan Thiết thì hơn một nửa trong số đó đang ở khu vực nội thành. Do đó việc di dời hàng loạt cơ sở cùng lúc sẽ không tránh khỏi tình trạng lúng túng trong việc lựa chọn địa điểm mới cho phù hợp.

Theo hướng dẫn của Phòng Tài nguyên - Môi trường, việc chọn địa điểm sẽ do các hộ kinh doanh chủ động tìm kiếm, sao cho đảm bảo không nằm trên trục đường chính và nằm trong khu dân cư. Sau khi chọn xong khu đất thích hợp, các hộ kinh doanh phế liệu có thể liên hệ địa phương để được hỗ trợ thủ tục. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này có khoảng 30 cơ sở kinh doanh phế liệu đã ngưng hoạt động, số khác tiếp tục thực hiện việc di dời nhưng xem ra công tác di dời diễn ra khá chậm. Ngoài ra UBND TP. Phan Thiết đã chỉ đạo các xã vùng ven hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở thu mua phế liệu về địa điểm kinh doanh, không quá cầu toàn trong điều kiện thuê mướn đất để tiếp tục hoạt động kinh doanh. Còn về hướng lâu dài trong tương lai, thành phố đã kiến nghị tỉnh xem xét và tạo quỹ đất khoảng 5 ha ở khu vực xã Tiến Thành để làm điểm quy hoạch tập trung cho các hộ kinh doanh thu mua phế liệu.

 Hy vọng với cái “bắt tay” từ ba bên, đó là sự quyết liệt của thành phố cùng sự đồng thuận của người dân và việc tạo điều kiện thuận lợi của các xã vùng ven, thì chủ trương di dời toàn bộ cơ sở thu mua phế liệu ra khỏi khu vực nội thành sẽ sớm được thực hiện dứt điểm, trả lại môi trường trong lành, an toàn cho người dân.

Hồng Trinh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Di dời các cơ sở thu mua phế liệu: Cần cái “bắt tay” từ ba bên